Chưa bao giờ bệnh tay chân miệng lại bùng phát nhanh, rộng và gây nhiều biến chứng, tử vong cao như năm nay. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đến nay đã có gần 3.100 ca mắc bệnh tay chân miệng và 16 ca tử vong. Hiện bệnh cũng đã có mặt tại 171 xã, phường trong toàn tỉnh.
Chưa bao giờ bệnh tay chân miệng lại bùng phát nhanh, rộng và gây nhiều biến chứng, tử vong cao như năm nay. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đến nay đã có gần 3.100 ca mắc bệnh tay chân miệng và 16 ca tử vong. Hiện bệnh cũng đã có mặt tại 171 xã, phường trong toàn tỉnh.
Trong khi số người mắc bệnh tay chân miệng vẫn tăng mỗi ngày từ 100-200 ca, số tử vong do bệnh tay chân miệng ở Đồng Nai đứng thứ hai trong số các tỉnh, thành phía Nam thì công tác phòng bệnh tại cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chỉ tính trong tháng 6 và 7 - tháng cao điểm của bệnh, đã có hơn 30 cuộc họp và hàng chục văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng của các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã, phường. Thế nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, TP.Biên Hòa chiếm 1/3 số ca mắc và chiếm 50% số ca tử vong… Đây cũng là địa bàn được ngành y tế tập trung cấp phát chất tiêu độc khử trùng cloramin B nhiều nhất với trên 4 tấn… thế nhưng số ca nhiễm bệnh và tử vong trên địa bàn này vẫn tiếp tục gia tăng.
Một cán bộ làm công tác dự phòng chia sẻ nỗi lo lắng với chúng tôi. Ông cho rằng: “Văn bản chỉ đạo rất nhiều, họp bàn giải pháp cũng lắm, chi phí cho công tác dập dịch cũng đã được duyệt thêm, thuốc tẩy độc khử trùng cũng được đưa xuống các trường mầm non, mẫu giáo cả công lập và dân lập, thậm chí xuống tận mỗi hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi… Thế nhưng công tác dập dịch vẫn chưa hiệu quả, khiến những người làm công tác dự phòng chúng tôi như ngồi trên đống lửa”.
Thực tế việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng là rất đơn giản, chỉ cần mỗi người dân sạch sẽ, mỗi gia đình giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ cho mình và cho con mình bằng việc rửa tay và các thứ đồ chơi của trẻ bằng xà phòng… Thế nhưng, hành động đơn giản đó lại không được người dân thực hiện. Ngành y tế không thể xuống dọn vệ sinh cho từng khu phố, rửa tay cho từng trẻ nhỏ trong mỗi gia đình mà chỉ làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng ngừa, cảnh báo về tình hình, diễn biến của dịch bệnh và điều trị bệnh khi có ca nhiễm… Còn việc triển khai ra quân dọn dẹp môi trường ở mỗi khu phố, xã phường phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở cơ sở. Nếu tuyến cơ sở vẫn làm ngơ như hiện nay, có lẽ việc dập dịch bệnh tay chân miệng cũng như phòng ngừa các dịch bệnh khác khó thực hiện được hiệu quả …
Phương Liễu