Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại chính mình!

09:11, 28/11/2011

Cách nay khoảng 5-7 năm, sau một đợt sáp nhập “quyết liệt” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã hình thành nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước với tâm trạng đầy phấn khích về sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực.

Cách nay khoảng 5-7 năm, sau một đợt sáp nhập “quyết liệt” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã hình thành nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước với tâm trạng đầy phấn khích về sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực. Thực tế, không ít tổng công ty buộc phải làm ăn đa ngành nghề bởi trong tay công ty mẹ có quá nhiều công ty con ở nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, số đông tập đoàn, tổng công ty khi được nâng cấp hình thành đều  “hăng hái” đưa ra phướng hướng, mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm, ngành nghề để xứng đáng với tầm vóc của mình. Vậy là nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ có nhiều lĩnh vực sản xuất mà còn nhảy vào nhiều ngành nghề “thời thượng”, như: bất động sản, dịch vụ du lịch, đầu tư chứng khoán, tài chính, ngân hàng…

Ước mơ và những tính toán táo bạo trong làm ăn không có gì đáng chê trách. Thế nhưng sự đời đã không diễn ra như một đường thẳng, với những biến động bất lợi về tình hình kinh tế - tài chính trên thế giới và lạm phát trong nước kéo dài, lãi suất ngân hàng cao… đã đẩy nhiều dự án đầu tư mới và lĩnh vực kinh doanh mới của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lâm vào thế rất khó khăn. Không ít các “xì-căn-đan” trong làm ăn của DNNN đã được phanh phui. Nhiều yếu kém về năng lực quản trị và về tính toán đầu tư mới bộc lộ cho thấy đã có sự “vung tay quá trán” dẫn đến thua lỗ nặng, mà điển hình là Vinashin.

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các DNNN vào sự phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua. Tuy vậy, với nhiều lợi thế và ưu ái có được thì hiệu quả chung của khu vực DNNN là chưa tương xứng. Hiện tại vẫn chưa thể chẩn đoán hết sự yếu kém, tiêu cực trong khu vực DNNN cho dù đã có nhiều cuộc kiểm toán và thanh tra nhà nước.

Tái cấu trúc là thuật ngữ kinh tế được nhắc đi nhiều lần trong thời gian gần đây, trọng tâm nhắm vào là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chính phủ cũng đã kiên quyết chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải rà soát lại hoạt động đầu tư ngoài ngành nghề chính và tích cực rút lại vốn “lỡ” đầu tư.  Đây chính là thời điểm buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải nghiêm túc nhìn lại chính mình, không thể tiếp tục phiêu lưu với những tham vọng quá lớn lại xa vời với năng lực quản trị và tiềm lực tài chính của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội vào sáng ngày 25-11 đã nhấn mạnh:  Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp thiết, là một trong 3 nội dung quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế... Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015. Đồng thời xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả kéo dài bằng các hình thức thích hợp như cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, bán, phá sản doanh nghiệp.

Xuân Phú

 

 

 

Tin xem nhiều