Báo Đồng Nai điện tử
En

“Giải cứu” thị trường bất động sản

09:12, 12/12/2011

Ngày 14-11-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 8844/NHNN-CSTT, quy định 4 nhóm tín dụng được vay vốn đầu tư: sửa chữa nhà và mua nhà ở bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê mà đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế...

Ngày 14-11-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 8844/NHNN-CSTT, quy định 4 nhóm tín dụng được vay vốn đầu tư: sửa chữa nhà và mua nhà ở bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê mà đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà do UBND cấp tỉnh ban hành; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012. Có thể nói, đây là dấu hiệu tốt về cho vay trên lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Mới đây, ngày 6-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh BĐS; đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở xã hội. Đối với hoạt động ngân hàng, Thủ tướng chỉ rõ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Trước mắt, ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng BĐS phù hợp, giảm tăng trưởng và khơi thông dòng vốn, tránh gây sốc; đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN và các đối tượng có nhu cầu vay mua nhà để ở.... Sau chỉ thị này, các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá, đây là hướng mở nhằm giúp thị trường BĐS đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Nhiều người cho rằng, Chỉ thị 2196/CT-TTg thực sự “giải cứu” thị trường BĐS, đặc biệt là mở rộng cửa đối với các dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người thực sự có nhu cầu về nhà ở; hạn chế đầu cơ BĐS. Thực tế lâu nay, thị trường BĐS dường như bị đóng băng, nguyên nhân là dòng vốn lưu thông trong kinh doanh BĐS gặp khó khăn.

Tại Đồng Nai đã có hơn 30 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các nơi đến, đó là chưa kể đội ngũ công nhân viên chức, người có thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, địa bàn thu hút BĐS tập trung tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Nhưng Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch vẫn là điểm lý tưởng, bởi ưu thế về vị trí tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số dự án quy mô lớn, như: cù lao Tân Vạn, khu kinh tế mở Long Hưng, khu đô thị Đông Sài Gòn… được quy hoạch thành những đô thị kiểu mẫu, khả năng sẽ thu hút được đông đảo khách hàng từ các nơi đến. Chỉ tính riêng ở thành phố mới Nhơn Trạch có đến 155 dự án, trong đó 92 dự án phát triển khu dân cư, nhưng số dự án đang thi công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do thời gian qua, hoạt động BĐS ở Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng từ tình hình chung bị trầm lắng. Do đó, Chỉ thị số 2196/CT-TTg là một quyết sách quan trọng, bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Các nhà đầu tư BĐS và đối tượng được hưởng từ chính sách này đang rất vui mừng và chờ đợi sự đột phá trên lĩnh vực BĐS để có thể làm “tan băng” một thị trường mà hoạt động thời gian qua khá mờ nhạt.

T.Nguyên

 

Tin xem nhiều