Đầu tuần rồi, trên trang 4 Báo Đồng Nai có bài viết “Làng cá bè sông Cái (Biên Hòa): Phập phồng lo cá chết”, phản ánh tình hình của hàng trăm hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái đang lo lắng vì ngày ông Táo về trời rất gần... Sự nôn nóng này không phải là vô cớ, bởi 2 – 3 năm trở lại đây, cứ khoảng từ 23 - 26 tháng chạp là cá nuôi bán trong dịp Tết chết trắng sông.
Đầu tuần rồi, trên trang 4 Báo Đồng Nai có bài viết “Làng cá bè sông Cái (Biên Hòa): Phập phồng lo cá chết”, phản ánh tình hình của hàng trăm hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái đang lo lắng vì ngày ông Táo về trời rất gần... Sự nôn nóng này không phải là vô cớ, bởi 2 – 3 năm trở lại đây, cứ khoảng từ 23 - 26 tháng chạp là cá nuôi bán trong dịp Tết chết trắng sông.
Trong khi ngư dân làng cá bè sông Cái đang còn phập phồng lo sợ thảm cảnh “mùa cá chết” như những lần trước lặp lại, thì “vận đen” bất chợt lại đến với làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán). Chỉ chưa đầy hai ngày 11 và 12-1 (18-19 tháng chạp), hàng chục tấn cá nuôi của hàng trăm hộ dân hai xã La Ngà, Phú Ngọc dự kiến bán trong dịp Tết sắp tới bỗng dưng lăn ra chết hàng loạt. Đây không phải lần đầu cá nuôi trên sông La Ngà chết trắng bè, mà liên tục một vài năm trước, người nuôi cá không ít lần bị điêu đứng, và không ít người trắng tay vì cá nuôi chết không kịp vớt bán. Những lần ấy, kết quả phân tích mẫu vật cá bè chết trên sông La Ngà của cơ quan chuyên môn đều cho thấy, các mẫu gan, thận cá đều âm tính với các loài vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, qua xét nghiệm mô bệnh học, triệu chứng tìm thấy trên cơ thể cá không có khả năng để cá chết đầy sông như đã xảy ra. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các hạt bị nhiễm sắc tố lạ trên gan, thận kết hợp với hệ miễn dịch yếu của cá khiến nó không còn sức đề kháng, là do chức năng tiêu hóa và bài tiết bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này chứng tỏ, ở đây chỉ có hai nguyên nhân làm cho cá chết, đó là nguồn nước ô nhiễm và dịch bệnh. Lần này, theo người nuôi cá trên sông La Ngà, cũng giống như những lần trước, khi “đua nhau” phơi bụng trên mặt nước, miệng cá mở khá to. Kinh nghiệm của người nuôi cá cho thấy, biểu hiện này là do môi trường nước bị thay đổi đột ngột nên làm giảm lượng ôxy hòa tan. Như vậy, đợt cá chết trên sông La Ngà mới đây khó có thể từ dịch bệnh gây nên.
Dạo trước, có một vài lần những đơn vị kinh doanh trên địa bàn thải chất nguy hại chưa qua xử lý ra sông La Ngà tiến hành đền bù cho bà con ngư dân một khoản tiền, được xem là bù đắp lại những mất mát do họ gây ra. Tuy nhiên, để nhận được khoản tiền này, nông dân phải mất khá nhiều thời gian làm thủ tục duyệt xét và chờ kết quả thẩm định, xác minh cụ thể từng trường hợp. Thực tế, ngay cả khi nhận được tiền hỗ trợ cũng chẳng thấm vào đâu so với công sức, tiền bạc mà ngư dân đầu tư vào việc nuôi cá. Đợt cá chết trong hai ngày 11 và 12-1 vừa qua, nguyên nhân từ đâu còn phải chờ cơ quan chức năng kết luận sau khi phân tích mẫu nước ở khu vực này. Song, cho dù vì lý do gì đi nữa thì người nuôi cá bè trên sông La Ngà đang phải đối mặt với một cái Tết buồn hiu hắt khi mà vốn liếng bỗng chốc tiêu tan. Không ít người cho biết, họ rất hy vọng vào mùa cá dịp Tết Nhâm Thìn. Ước tính, nếu giá cá ổn định, nhiều hộ có thể thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tấn sau khi đã trừ chi phí.
Rõ ràng, thiệt hại đối với người nuôi cá bè bị chết là quá lớn. Chỉ có điều, dù đã cảnh giác với không ít tâm trạng phập phồng, lo lắng nhưng sự cố vẫn bất ngờ ập đến với làng nuôi cá. Làm sao chặn đứng được nguy hại này để nông dân vững chí làm ăn, là điều người lao động ở những làng cá bè trông đợi từ rất lâu, nhưng xem ra chưa có một giải pháp nào hữu hiệu.
T.Nguyên