Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng trong xã hội tăng cao. Nắm bắt tâm lý này, kẻ xấu đã lợi dụng để tung hàng giả, hàng nhái (HGHN) ra thị trường.
Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng trong xã hội tăng cao. Nắm bắt tâm lý này, kẻ xấu đã lợi dụng để tung hàng giả, hàng nhái (HGHN) ra thị trường. Tình trạng sản xuất HGHN hiện nay không chỉ tập trung vào những mặt hàng có giá trị, mà nhiều loại hàng hóa thông thường như: hóa mỹ phẩm, túi xách, quần áo, vật gia dụng; rồi thuốc chữa bệnh, sữa trẻ em, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm... Có thể nói, cho dù hàng hóa tinh vi, kỹ thuật cao đến đâu cũng bị làm giả. Chẳng hạn, không ít lần cơ quan chức năng trên cả nước phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng điện máy gồm tivi, máy vi tính, phụ tùng xe gắn máy và cả tiền giấy, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả. Trước đây, khi doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới, phải từ 6 - 12 tháng sau mới phát hiện HGHN loại này, còn nay chỉ cần hàng chính thống được bày bán trên thị trường thì vài ngày sau đã phát hiện hàng giả cùng chủng loại. Điều này cho thấy, khả năng làm HGHN trong thời gian gần đây đã đạt đến “công nghệ” hiện đại.
Ở Đồng Nai, trong năm 2011, Đội chống hàng giả (Chi cục QLTT) đã phát hiện 62 vụ buôn bán, vận chuyển và làm hàng giả, tổng mức thu từ xử phạt gần 400 triệu đồng. Số vụ liên quan đến HGHN bị xử lý gồm các mặt hàng: giày dép, quần áo, túi xách, bóp da, dây thắt lưng. Đáng kể là vụ phát hiện một cơ sở ở phường Trảng Dài làm giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, sản phẩm bị tịch thu hơn 100kg. Cũng tại cơ sở này, lực lượng chống hàng giả còn tìm thấy hơn 100kg bột giặt giả hiệu Omo và giấy vệ sinh giả nhãn hiệu của một cơ sở sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, tại một cửa hàng kinh doanh ở Biên Hòa, Đội chống hàng giả phát hiện tại đây bán hơn 100 chai rượu Vodka. Đánh giá về tình hình HGHN trên thị trường thời gian qua, ông Phạm Đắc Hùng, Đội trưởng Đội chống hàng giả cho rằng, thời điểm tung HGHN ra thị trường nhiều nhất là dịp cuối năm. Đây là thời cơ thuận tiện nhất để HGHN có thể “chen chân” trong các sạp hàng hóa mà ít bị phát hiện. Chiêu lừa của những “chuyên gia” cùng “trợ thủ” đắc lực trong việc đem HGHN đi tiêu thụ, là thường trộn lẫn hàng giả chung với hàng chính hãng. Nguyên nhân HGHN vẫn tồn tại được, không chỉ vì những kẻ làm HGHN ham lợi, mà còn liên quan đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Hùng, nếu người tiêu dùng đừng ham rẻ khi chọn mua hàng ở những quầy sạp ven đường, mà đến những điểm có uy tín như siêu thị thì không thể mua nhầm hàng giả. Một trong những tồn tại gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử phạt, còn do một số doanh nghiệp - chủ sở hữu thiếu thiện chí hợp tác. Trong nhiều trường hợp khi phát hiện HGHN, chủ sở hữu lại không muốn sản phẩm của mình bị làm giả được công bố, bởi sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh, lợi nhuận. Trong khi đó, để có đủ cơ sở pháp lý xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, cơ sở sản xuất phải xác định được đó là HGHN. Chính vì doanh nghiệp ngại thông tin sản phẩm bị làm giả, vô tình đã giúp cho kẻ xấu nhởn nhơ và tiếp tục tạo ra sản phẩm kém chất lượng để lừa đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tuy đã có Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng việc triển khai thực thi của các ngành, các cấp chưa được quan tâm. Mặt khác, xử lý những vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ còn quá nhẹ, khi so với lợi ích thu được của những kẻ làm HGHN, cho nên không đủ sức răn đe.
HGHN tồn tại gây nhức nhối xã hội, nhưng việc xử lý tận gốc ra sao, là điều không đơn giản. Hơn nữa, công tác chống hàng giả lâu nay chỉ dừng lại ở chỗ chỉ phát hiện nơi bán hàng giả với số lượng nhỏ, lẻ. Do đó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Vì vậy, việc truy tìm chính danh nơi sản xuất HGHN, đòi hỏi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc.
T.Nguyên