Báo Đồng Nai điện tử
En

“Sốt” vì vật giá tăng

07:02, 06/02/2012

Sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng lại bị “sốc” vì một số mặt hàng tăng giá cao bất thường. Trước hết là dịch vụ ăn uống, từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng vẫn cứ theo thói quen “xấu” là đều tăng giá.

Sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng lại bị “sốc” vì một số mặt hàng tăng giá cao bất thường. Trước hết là dịch vụ ăn uống, từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng vẫn cứ theo thói quen “xấu” là đều tăng giá. Tất nhiên là người kinh doanh “đổ lỗi” cho giá nhiều mặt hàng thực phẩm và chi phí nhân công lao động tăng. Thông thường, người kinh doanh ăn uống và một số dịch vụ khác thường chọn thời điểm Tết và sau Tết làm cột mốc tăng giá cho năm mới và cũng khó lòng kéo giá giảm, cho dù trên thực tế, giá nhiều mặt hàng thực phẩm sau Tết đã giảm về gần với mức bình thường.

Sau các mặt hàng ăn uống là giá gas tăng “khủng” cũng gây sốc cho người tiêu dùng. Từ ngày 1-2, các doanh nghiệp gas đồng loạt công bố tăng giá rất cao ở mức 42-45 ngàn đồng/bình 12kg. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng tính từ đầu năm 2012 cho đến đầu tháng 2, giá gas bán lẻ trong nước đã 3 lần điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng 74 ngàn đồng/bình. Giải thích lý do tăng giá, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gas đều cho rằng do giá nhập khẩu tăng mạnh. Trước đó, nhiều hãng sữa cũng bất ngờ tăng giá thêm từ  7-19% so với trước, tương ứng 10-100 ngàn đồng/hộp sữa. Nhiều nhà sản xuất sữa giải thích là do thay đổi mẫu mã sản phẩm mới và nâng cấp công thức chế biến...

Có rất nhiều lý lẽ được người kinh doanh và nhà sản xuất đưa ra nhằm biện minh tính hợp lý của việc tăng giá. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm về vấn đề này như: Công thương, Tài chính và Quản lý thị trường thì bị động, không thể chứng minh tính đúng đắn hay không của tình hình tăng giá trên. Việc các DN đầu mối kinh doanh gas, tuy không nằm trong danh mục các mặt hàng bình ổn giá, nhưng theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp phải gửi đăng ký giá đến cơ quan quản lý Nhà nước về việc tăng (hay giảm) giá và phải giải thích lý do, thế nhưng xem ra việc này chỉ mang tính hình thức. Một cán bộ có trách nhiệm ở Cục Quản lý cạnh tranh tỏ ý nghi ngờ về việc các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu gas có hiện tượng “bắt tay” làm giá vì lặp đi lặp lại tình trạng khi tăng hoặc giảm cũng đồng loạt như nhau!

Trong bối cảnh cả nước ra sức kiềm chế lạm phát, việc tăng giá bất thường không chỉ gây sức ép lên người tiêu dùng mà còn tạo áp lực cho việc kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng cả nước. Do vậy, không thể hô hào chung chung về tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả và không đứng nhìn giá tăng. Vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thể hiện thái độ trách nhiệm của mình, hành động kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất thường.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều