Báo Đồng Nai điện tử
En

Đột phá

08:05, 07/05/2012

Trả lời phỏng vấn trên Báo Tiền Phong Xuân Nhâm Thìn 2012, giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản), đã từng làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Chính phủ Nhật Bản trong gần 10 năm và cũng từng là thành viên trong Tổ tư vấn cải cách hành chính & kinh tế thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có đưa ra nhận xét: Việt Nam đến nay đã tách ra khỏi nhóm các nước nghèo và chen chân vào nhóm các nước trung bình thấp.

Trả lời phỏng vấn trên Báo Tiền Phong Xuân Nhâm Thìn 2012, giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản), đã từng làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Chính phủ Nhật Bản trong gần 10 năm và cũng từng là thành viên trong Tổ tư vấn cải cách hành chính & kinh tế thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có đưa ra nhận xét: Việt Nam đến nay đã tách ra khỏi nhóm các nước nghèo và chen chân vào nhóm các nước trung bình thấp. Tuy nhiên, chúng ta đã mất hơn một thế hệ để có được thành quả đó. Trong phát triển kinh tế, một thế hệ tương đương trên dưới 25 năm. Thực tiễn trên thế giới, khoảng một thời gian một thế hệ đủ làm thay đổi cục diện của nhiều quốc gia. Giáo sư Thọ lưu ý, đến năm 2020, Việt Nam có thể đạt mức thu nhập trung bình cao nhưng điều quan trọng là Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững để trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ sau đó hay không . Trong lịch sử kinh tế thế giới, rất ít nước vượt qua được cái “bẫy thu nhập trung bình”, thậm chí có nước mắc vào bẫy này từ rất sớm. Giáo sư Thọ dẫn chứng, vào những năm của thập niên 1950, Philippines là nước phát triển chỉ sau Nhật Bản, cao hơn cả Hàn Quốc. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Philippines cao gấp đôi Thái Lan và năm 1985, GDP bình quân đầu người của Philippines cao gấp 3,5 lần Trung Quốc. Thế nhưng, đến năm 2000, tình hình kinh tế của Thái Lan và Trung Quốc đã khác, vượt qua Philippines. Riêng Hàn Quốc vào đầu thập  niên 1960 vẫn là nước kém phát triển nhưng chỉ sau một thế hệ đã trở thành một nước công nghiệp phát triển…

“Cái bẫy thu nhập trung bình” đang thách thức nước ta phải vượt qua với yêu cầu là phải tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, cả về tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng. Những con số thống kê cho thấy, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao trong những năm qua, nguồn vốn đổ vào nền kinh tế ở nước ta ngày nhiều hơn. Cụ thể, bình quân 5 năm 1991 - 1995 vốn đầu tư chỉ bằng 26,3% GDP, đến giai đoạn 2006 - 2010 đã bằng 42% GDP. Rõ là, tăng trưởng kinh tế theo bề rộng cần bỏ ra rất nhiều vốn, do đó chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp… Chính vì vậy, tái cấu trúc nền kinh tế , đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang trở thành vấn đề cấp bách. Không chỉ có vậy, cần phải tạo ra sự đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia  năm 2011, trang 106). Đây có thể xem là một khâu đột phá trọng yếu nhằm khắc phục những yếu kém, thiếu đồng bộ, chậm phát triển về kết cấu hệ thống hạ tầng của cả nước ta thời gian qua, trong đó có Đồng Nai,  để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Xuân Phú

 

 

Tin xem nhiều