Báo Đồng Nai điện tử
En

Xót xa với "chảy máu chất xám"

11:08, 30/08/2017

Chủ nhật 27-8 vừa qua, chân dung nhà leo núi của Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 17 đã lộ diện. Đó là "cậu bé Google" Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị) đạt 300 điểm. Kết quả này rất xứng đáng với nỗ lực, sự thông minh, nhanh nhạy và kiến thức sâu rộng mà Nhật Minh thể hiện trong suốt quá trình tham gia cuộc thi.

Chủ nhật 27-8 vừa qua, chân dung nhà leo núi của Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 17 đã lộ diện. Đó là “cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị) đạt 300 điểm. Kết quả này rất xứng đáng với nỗ lực, sự thông minh, nhanh nhạy và kiến thức sâu rộng mà Nhật Minh thể hiện trong suốt quá trình tham gia cuộc thi.

a
Phan Đăng Nhật Minh,chân dung nhà leo núi của Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 17

Sau chiến thắng của Nhật Minh, cư dân mạng bên cạnh việc chúc mừng chiến thắng của chàng trai đến từ Quảng Trị, cũng không khỏi tiếc nuối khi dự đoán rằng Việt Nam lại sắp mất một nhân tài. Bởi trước đó, hầu hết các nhà vô địch của Đường lên đỉnh Olympia đều chọn con đường du học và định cư luôn ở nước ngoài chứ không quay trở vể Việt Nam để sinh sống và làm việc. Vậy mới có khán giả đề nghị, nên đổi tên chương trình Đường lên đỉnh Olympia thành Đường lên đỉnh Australia, quốc gia tài trợ học bổng du học cho người chiến thắng!

Thực ra, không phải đến bây giờ câu chuyện chảy máu chất xám mới diễn ra ở Việt Nam. Đây là vấn đề đã được nói nhiều, bàn nhiều và không ít giải pháp cụ thể được triển khai nhằm thu hút, đãi ngộ người tài. Thế nhưng, dường như tất cả những giải pháp này chưa đủ mạnh. Người giỏi, người tài thực sự vẫn thích làm việc và sinh sống ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam.

GS.TS Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai đã cho rằng sở dĩ tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám ngày càng diễn ra mạnh mẽ là do Việt Nam dù đã có chính sách thu hút, trọng dụng người tài nhưng vẫn chưa phát huy tác dụng.  Do vậy, dễ hiểu khi chảy máu chất xám chưa được ngăn chặn dẫn đến nhân tài chưa được quy tụ, khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh.

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Một khi nguyên khí thiếu hoặc quá mỏng, chắc chắn đất nước sẽ khó phát triển vững mạnh. Vì thế, không khỏi xót xa khi hàng năm trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, các cuộc thi về khoa học - kỹ thuật, nghề… Việt Nam luôn nằm trong tốp những quốc gia dẫn đầu, nhưng trên thực tế kinh tế đất nước phát triển chưa như mong muốn, thiếu trầm trọng đội ngũ chuyên gia giỏi, thực sự tâm huyết, có tầm nhìn. Trong khi đó, số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ lại quá nhiều nhưng thiếu chất lượng thực chất.

Có người cho rằng sống ở đâu không quan trọng, miễn là sống có ích, đóng góp được cho sự phát triển chung của xã hội. Điều này quả thực không sai. Thế nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc thiếu những người tài phục vụ đất nước khá nguy hiểm. Đó còn là sự thụt lùi mà nếu không có chính sách trọng dụng tốt hơn, những nhân tài trẻ như Phan Đăng Nhật Minh rồi cũng lại chọn con đường du học và ở lại cống hiến trí tuệ của mình cho một quốc gia khác, không phải quê hương mình.

Đó là sự xót xa, lãng phí không hề nhỏ.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều