Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi 'review' trở thành quyền lực

09:11, 18/11/2019

Trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hiện nay, những "review" (đánh giá, bình luận) của người tiêu dùng trên internet ngày càng trở nên có "quyền lực". Nghĩa là một số người tiêu dùng sau khi đã sử dụng hoặc trải nghiệm một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó thì sẽ lên mạng viết nhận xét, cảm nhận của mình về chúng để những người dùng sau có cơ sở xem xét, chọn lựa xem có nên sử dụng loại hàng hóa, dịch vụ đó hay không.

Trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hiện nay, những “review” (đánh giá, bình luận) của người tiêu dùng trên internet ngày càng trở nên có “quyền lực”. Nghĩa là một số người tiêu dùng sau khi đã sử dụng hoặc trải nghiệm một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó thì sẽ lên mạng viết nhận xét, cảm nhận của mình về chúng để những người dùng sau có cơ sở xem xét, chọn lựa xem có nên sử dụng loại hàng hóa, dịch vụ đó hay không.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều này về cơ bản là tốt cho người tiêu dùng nói chung và ở một góc độ nào đó, nó giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn thông qua những góp ý xác đáng hoặc những khen ngợi có tính xây dựng, khuyến khích.

Vấn đề là, bất cứ ai cũng có thể để lại những review của mình trên internet về sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp bất kỳ nào đó mà không ai có trách nhiệm kiểm soát nội dung các review đó đúng hay sai. Không ít lần, nhiều doanh nghiệp phải “kêu trời” vì những nhận xét, đánh giá hoàn toàn sai sự thật về sản phẩm và dịch vụ của mình mà không biết phải làm sao. Thậm chí không loại trừ việc rất nhiều nhận xét tiêu cực đó xuất phát từ những công ty đối thủ.

Mạng xã hội càng phát triển, những review này càng trở nên quyền lực dù mang rất nhiều sự cảm tính của người viết. Không khó để bắt gặp những lời đánh giá kèm kêu gọi tẩy chay sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty A hay công ty B nào đó mà không cần bất kỳ một bằng chứng xác đáng nào. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể khởi kiện những người thông tin sai về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình ra tòa nếu chứng minh được thiệt hại mà những thông tin sai lệch đó gây ra. Tuy nhiên trên thực tế, hầu như chưa một đơn vị nào làm được điều này bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc trình tự, thủ tục lấy bằng chứng để khởi kiện là khá phức tạp, khung pháp lý chưa hoàn thiện và việc chứng minh những đánh giá nói trên gây thiệt hại cũng khá khó khăn.

Thống kê của Công ty Younet Media mới đây cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 64 triệu tài khoản mạng xã hội. Mỗi ngày, số lượng người dùng khổng lồ này có thể đăng tải tới 11 triệu bài viết (posts) ngắn dài cùng 60 triệu comment. Những con số này đều lớn hơn rất rất nhiều lần so với 524 kênh tin tức trực tuyến cùng 21.600 tin, bài và 10.064 comment đi kèm (nguồn: Saigon Times). Điều này cho thấy mạng xã hội ngày càng trở nên rất quyền lực và khó điều chỉnh, quản lý.

Cách ứng phó duy nhất của nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay là có hẳn một đội ngũ chuyên đi kiểm soát các đánh giá, nhận xét từ người tiêu dùng trên internet và có sự thanh minh, phản hồi kịp thời. Tuy nhiên, chưa bàn đến hiệu quả thực sự của cách làm này mà chỉ xét trên số lượng doanh nghiệp thì số doanh nghiệp đủ tiềm lực để làm điều này không nhiều, thậm chí rất ít ỏi. Do đó, đến lúc này, vẫn chưa ai, kể cả cơ quan chức năng lẫn chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát nội dung các đánh giá, bình luận nói trên.

Vi Lâm

Tin xem nhiều