Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích nghi và tìm cơ hội từ 'chuyển đổi số'

09:05, 04/05/2020

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), làm đảo lộn kinh tế toàn cầu. Sản xuất, lưu thông ngưng đọng, hầu hết các DN đều như "ngồi trên đống lửa", trong nhiều trường hợp, DN buộc phải lựa chọn xông pha, tự tạo nên cơ hội để thích nghi và tăng trưởng.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), làm đảo lộn kinh tế toàn cầu. Sản xuất, lưu thông ngưng đọng, hầu hết các DN đều như “ngồi trên đống lửa”, trong nhiều trường hợp, DN buộc phải lựa chọn xông pha, tự tạo nên cơ hội để thích nghi và tăng trưởng.

Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến
Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến. Ảnh minh họa

Dưới tác động của dịch bệnh, người làm DN trong nước phải đối diện với rất nhiều thử thách mới, buộc họ phải kịp thời thích ứng hay nguy cơ phá sản chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó, hai thử thách lớn nhất chính là chuyển dịch từ mô hình làm việc truyền thống sang làm việc từ xa, cũng như làm sao để tận dụng tối đa nguồn lực công nghệ để vận hành DN.

Theo các chuyên gia, xét ở một góc độ nào đó, chính dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển hệ thống hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa. Đây chính là hướng đi của cách mạng 4.0. Chuyển đổi số là ứng dụng những công nghệ số để thay đổi cách làm việc, tự động hóa, mọi thứ lên môi trường số. Chuyển đổi số giải được bài toán nhanh, phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh. Bất kể nhu cầu kinh doanh và hoạt động của DN là gì, thì giải pháp chuyển đổi số sẽ giúp truy cập dữ liệu tốt hơn, tự động hóa các quy trình chính, tăng cường hợp tác và năng suất giữa các thành viên trong nhóm và đối tác.

Thực tế dễ nhận thấy, từ đơn đặt hàng thực phẩm, mua sắm tạp hóa, các cuộc họp kinh doanh đến giải trí... tất cả dường như đang được “số hóa” trên các công cụ thông minh và internet. Điều mà trước khi dịch bệnh xảy ra vẫn đang chiếm chưa đáng kể, đặc biệt là với DN nhỏ, siêu nhỏ. Nhưng nay, thậm chí làm ăn với nước ngoài, DN cũng tìm cách ứng dụng công nghệ thông tin để đạt hiệu quả nhanh nhất, cao nhất.

Không chỉ DN thích ứng, tìm cơ hội phát triển từ ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số mà xu thế này còn diễn ra ở các lĩnh vực khác của xã hội. Ngay trong lúc căng thẳng của dịch bệnh, vào ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 10 bộ và cơ quan ngang bộ phải kết nối ngay với Cổng dịch vụ công quốc gia; đến ngày 30-6 phải triển khai toàn bộ 19 dịch vụ công ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các hệ thống hội họp trực tuyến quy mô rộng lớn cũng đã vận hành thông suốt. Cũng ngay trong cuối tháng 3-2020, Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BTTTT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số và tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Rõ ràng, từ nhu cầu của xã hội, nhu cầu tự thân của DN, trong khó khăn phát sinh từ dịch bệnh, DN cũng như các hoạt động khác có cơ hội để thay đổi phương thức hoạt động của mình, thích nghi nhanh hơn với những biến động khó lường trước được. Chuyển đổi số, chính vì thế đang là xu hướng chủ lưu và càng được thúc đẩy mạnh mẽ qua xử lý thách thức từ dịch bệnh.

Văn Gia

Tin xem nhiều