Báo Đồng Nai điện tử
En

Liêm chính trong kinh doanh nhìn từ doanh nghiệp và Nhà nước

08:08, 16/08/2021

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang xây dựng đề án thành lập Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam và dự kiến ra mắt trong quý III-2021 như một nỗ lực lớn để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp (DN) kinh doanh liêm chính.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang xây dựng đề án thành lập Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam và dự kiến ra mắt trong quý III-2021 như một nỗ lực lớn để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp (DN) kinh doanh liêm chính.

Theo kết quả khảo sát Báo cáo chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh do VCCI thực hiện, năm 2020, vẫn còn 5,4% DN phải trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. DN vẫn còn gặp hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính. 51,1% DN phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, tiếp cận ở một góc nhìn khác, có thể thấy sự liêm chính có được ở mức độ cao hay không còn phụ thuộc từ phía DN. Khảo sát của VCCI năm 2019 cho thấy, có tới 41,2% DN đồng ý chi trả hoa hồng để có cơ hội thắng thầu cao hơn trong cạnh tranh. Ở điểm này cũng có nghĩa là họ chấp nhận hy sinh tính liêm chính để được việc, không chỉ là nạn nhân, mà đôi khi, DN chính là bên thúc đẩy các hành vi tiêu cực.

Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi mức độ khó khăn gia tăng thì tính minh bạch, liêm chính của DN ngày càng gặp thách thức, không chỉ trong mối quan hệ với chính sách, thể chế, mà ngay cả với khách hàng. Sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh thời gian qua là một ví dụ.

Trong khi đó, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính đối với sự điều hành của Nhà nước, minh bạch chính sách là điều tiên quyết để kinh doanh và đầu tư được ổn định, tạo cạnh tranh lành mạnh. Minh bạch là thành phần cốt lõi của một chính sách chống tham nhũng hiệu quả. Chỉ khi minh bạch chính sách kinh tế mới giúp kinh doanh liêm chính. Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và trở thành trụ cột của nền kinh tế, cần có một cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và DN mới có thể tạo ra những kết quả mang tính đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, đảm bảo liêm chính trong kinh doanh.

Nhà nước cần tiếp tục mạnh dạn loại bỏ những quy định không minh bạch, giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, công khai, lấy ý kiến DN, người dân, đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật. Nhiệm vụ quan trọng trong điều hành là làm sao cho DN thấy được lợi ích dài hạn khi thực hiện đạo đức và sự tuân thủ trong kinh doanh. Từ đó khuyến khích các công ty thay đổi hành vi, cách ứng xử, chủ động quan tâm đến các chính sách, tiến tới lập mạng lưới, cộng đồng DN kinh doanh liêm chính, lớn mạnh, có sức hút, hình ảnh thương hiệu trong và ngoài nước.

Văn Gia


 

Tin xem nhiều