Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên đặc biệt để hoàn thành "trục xương sống" của mạng lưới giao thông quốc gia

09:10, 25/10/2021

Ngày 16- 6-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Ngày 16- 6-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công). Ngày 19-10-2021, Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết số 133/NQ-CP sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 60/NQ-CP. Hiếm có dự án nào mà trong vòng 4 tháng, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết riêng biệt để gỡ khó nhằm đẩy nhanh tiến độ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì 3 hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã dần ổn định. Ảnh: VGP
Nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã dần ổn định. Ảnh: VGP

Như vậy có thể thấy, dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang nhận được sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt của Chính phủ đối với dự án được xem là sẽ tạo ra mũi đột phá phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.

Cuối tháng 11-2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Đến ngày 30-9-2020, với việc 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đồng loạt được khởi công, trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên của Việt Nam đang từng bước thành hình.

Quá trình triển khai, các dự án gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung như: thiếu nguồn cung vật liệu, vật tư phục vụ thi công, những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù vậy, với tầm quan trọng của dự án, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách gỡ khó. Cùng với đó, một thông điệp mạnh mẽ cũng được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đưa ra: “Không chấp nhận lùi tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam như đã cam kết”.

Theo Bộ GT-VT, trong 5 phương thức vận tải hiện nay ở nước ta gồm: đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa thì vận tải đường bộ chiếm tới hơn 70% tỉ trọng hàng hóa lưu thông và 90% tỉ trọng vận chuyển hành khách. Mặc dù chiếm vị trí quan trọng bậc nhất như vậy nhưng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ lại đang bộc lộ ngày càng nhiều hạn chế. Quốc lộ 1, trục giao thông đường bộ xuyên quốc gia đang ngày càng bị quá tải và xuống cấp trầm trọng. Trong bối cảnh đó, việc dành ưu tiên đặc biệt để hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc - Nam là nhu cầu cấp thiết. Bởi, dự án này không chỉ giúp khắc phục những hạn chế đang tồn tại của mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ mà còn là cú hích lớn đối với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư… đối với các địa phương có dự án đi qua.

Lê Văn

Tin xem nhiều