Báo Đồng Nai điện tử
En

'Sức ép' trong thu hút FDI

07:02, 07/02/2022

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, kết thúc năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 và được đánh giá là "ngoạn mục" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, kết thúc năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020 và được đánh giá là “ngoạn mục” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Việt Nam được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Việt Nam được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Xét về nhóm các địa phương thu hút FDI nhiều nhất của năm 2021, TP.Hải Phòng dẫn đầu trong bảng xếp hạng 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD. Vị trí thứ 2 thuộc về tỉnh Long An với 3,84 tỷ USD; thứ 3 là TP.HCM với 3,73 tỷ USD và thứ 4, 5 và 6 lần lượt là Bình Dương (2,13 tỷ USD); Bắc Ninh (1,66 tỷ USD); Hà Nội (1,52 tỷ USD).

Theo dõi số liệu thu hút FDI trong khoảng 10 năm nay có thể thấy, Đồng Nai sau nhiều năm ở vị trí thứ 2 rồi thứ 3 đã dần tụt xuống thứ 4, 5, 6 và năm 2021 ở vào vị trí thứ 7 cả nước trong thu hút FDI và ở phía Nam, dần dần xếp sau 2 tỉnh Bình Dương, Long An về số vốn đăng ký.

Thu hút FDI từ nhiều năm nay được xem là một trong những chỉ số quan trọng trong việc đánh giá mức độ phát triển kinh tế của từng địa phương. Một địa phương thu hút FDI mạnh lẽ thường hội tụ nhiều yếu tố tích cực: cơ hội sản xuất, kinh doanh lớn, chính sách thông thoáng cởi mở, nguồn lao động dồi dào, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát triển… Do đó, dù bằng cách này hay cách khác, dù cơ cấu ngành nghề, vốn liếng có thay đổi tùy đặc thù từng giai đoạn, song địa phương nào cũng chú trọng cải thiện các điều kiện sẵn có để thu hút FDI nhiều hơn, bền vững hơn. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những năm gần đây, nhiều địa phương vượt lên trong thu hút dòng vốn FDI và trở thành các “điểm đến mới nổi” trong lĩnh vực này như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An… Dù có thể hiện bằng các chỉ số hay “tuyên bố” hay không, sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau trong thu hút vốn FDI là điều dễ dàng nhận thấy.

Trong bối cảnh đó, Đồng Nai - một trong số ít các địa phương thu hút FDI sớm nhất và hiệu quả nhất cũng đang đứng trước nhiều “sức ép”. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê đang ngày một hạn chế hơn. Ước tính diện tích đất sẵn sàng cho thuê hiện nay của Đồng Nai chỉ còn khoảng 300ha (khoảng 900ha vẫn đang vướng mắc khâu bồi thường, giải tỏa). Thực tế là nếu các nhà đầu tư muốn thuê một diện tích đủ lớn để sản xuất, quỹ đất cũng không còn nhiều. Tuy tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung hàng ngàn ha đất công nghiệp trong giai đoạn tới thông qua việc cơi nới hoặc mở mới các khu công nghiệp, song vẫn cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục và xây dựng hạ tầng trước khi cho thuê. Cần sớm đốc thúc, hoàn thiện các khâu để đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê thì dòng vốn FDI mới “chảy vào” thuận lợi. Bên cạnh đó là những yếu tố khác luôn cần cải thiện: chính sách, thủ tục, sự hỗ trợ của chính quyền, môi trường, nguồn lao động… để đưa Đồng Nai quay lại những vị trí cao hơn trong bảng thu hút FDI cả nước.

Về dài hạn, việc các dự án hạ tầng quy mô lớn (sân bay, đường cao tốc, cảng biển) đang xây dựng tại Đồng Nai có thể tạo ra những làn sóng FDI mới, nhưng rõ ràng cần phải chuẩn bị tất cả những gì có thể ngay từ bây giờ để đủ tự tin “đón sóng” trong thời gian tới.

Vi Lâm

Tin xem nhiều