Có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề "giải cứu bất động sản" - vốn đang "nóng" dần từ quý IV-2022 đến nay. Mới đây nhất, ngày 8-2, hội nghị về tín dụng bất động sản nhằm trao đổi, gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) bất động sản cả nước đã diễn ra. Hội nghị có nội dung xoáy thẳng vào khó khăn lớn nhất của ngành bất động sản hiện nay: dòng tiền.
Có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề “giải cứu bất động sản” - vốn đang “nóng” dần từ quý IV-2022 đến nay. Mới đây nhất, ngày 8-2, hội nghị về tín dụng bất động sản nhằm trao đổi, gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) bất động sản cả nước đã diễn ra. Hội nghị có nội dung xoáy thẳng vào khó khăn lớn nhất của ngành bất động sản hiện nay: dòng tiền.
Ảnh minh họa: Đ.Phú |
Hội nghị lần này có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú, các vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, đại diện lãnh đạo các tập đoàn bất động sản lớn như: VinGroup, Novaland, SunGroup, Hưng Thịnh Land…
Xoay quanh các ý kiến từ phía DN bất động sản cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường đóng băng, khó khăn chồng chất là do ngân hàng “bóp” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, khiến nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, hỗ trợ khách mua hàng, duy trì hoạt động… Do đó, cần có các biện pháp tháo gỡ, thậm chí “giải cứu” DN bất động sản vì bất động sản là mặt hàng đặc biệt, tài sản thế chấp lớn nhất khi vay vốn, kênh đầu tư phổ biến nhất trên thị trường… nên khi bất động sản gặp khó, sẽ gây tác động lớn đến cả nền kinh tế. Tín dụng bất động sản càng bị “bóp”, nền kinh tế càng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước lại phản biện quan điểm này. Ngay tại hội nghị, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, muốn “làm rõ vì sao các DN không tiếp cận được tín dụng”. Theo đó, số liệu từ CIC (thống kê từ khế ước vay tiền của ngân hàng) cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản là cao nhất trong tất cả lĩnh vực. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản cũng cao nhất trong tất cả lĩnh vực, chiếm 21,2%. Tức là trong 100 đồng thì đã có 21,2 đồng dành cho bất động sản. Chưa kể, có DN bất động sản có tốc độ tăng lên tới 311%, có tập đoàn tăng 70% tín dụng. Trong khi tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế chỉ tăng 14,17% trong năm 2022 vừa qua (nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng trao đổi thẳng rằng, việc đẩy quá nhanh tốc độ tăng trưởng, tốc độ thực hiện các dự án đã được DN cân nhắc kỹ chưa. Thống đốc dẫn chứng, có DN thậm chí thực hiện cùng lúc 50 dự án khắp các vùng miền, thì đã cân nhắc các phương án chống rủi ro, các phương án bán hàng… hay chưa?
Nhiều ngân hàng có mặt tại hội nghị cũng nêu ý kiến, họ vẫn cung cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản bình thường, nhưng “dĩ nhiên là căn cứ thực lực DN và đúng theo quy định”. Các ngân hàng đang vừa phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các quy chuẩn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vừa phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế nhưng lại phải vẫn phải đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Thực chất, DN bất động sản khó khăn, ngân hàng cũng “đứng ngồi không yên” vì bản chất, đa số tài sản thế chấp của ngân hàng là bất động sản, tỷ trọng cho vay bất động sản cũng luôn ở nhóm cao nhất. Do đó, việc “giải cứu” tín dụng cho bất động sản nói riêng và “giải cứu” khó khăn chung của ngành này - cần đến những giải pháp vĩ mô hơn, toàn diện hơn.
Vi Lâm