Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai gặp khó khăn vì số lượng đơn đặt hàng của các đối tác trong và ngoài nước giảm mạnh. Nhiều DN đơn hàng giảm 30-60%, một số DN còn phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng.
Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai gặp khó khăn vì số lượng đơn đặt hàng của các đối tác trong và ngoài nước giảm mạnh. Nhiều DN đơn hàng giảm 30-60%, một số DN còn phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng.
Do đó, từ đầu năm 2023, các DN trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên cho việc tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để có thêm đơn đặt hàng, giữ được sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động. Trong đó, nhiều DN vừa và nhỏ sau 3 năm đối phó với dịch bệnh Covid-19 tiềm lực đã giảm mạnh nên rất khó khăn trong việc tự tìm các khách hàng ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Vì thế, các DN rất trông đợi sẽ được tỉnh, các bộ, ngành và Chính phủ hỗ trợ trong xúc tiến thương mại tại chỗ và nước ngoài.
Lâu nay, mỗi năm tỉnh đều tổ chức một vài đợt xúc tiến thương mại tại chỗ để kết nối DN CNHT trên địa bàn tỉnh với DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên công tác xúc tiến thương mại bị hạn chế.
Trong tình hình hiện nay, các DN mong muốn tỉnh sẽ phối hợp cùng các hiệp hội DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại thường xuyên và theo ngành hàng. Như vậy, DN tham gia sẽ dễ dàng tìm được đối tác để mua, bán sản phẩm, kết nối cùng tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất.
Bình quân mỗi tháng các DN Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa hơn 2 tỷ USD. Trong đó, có hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc về các ngành CNHT như: xơ sợi dệt, linh kiện máy móc, thiết bị, điện tử và linh kiện, phương tiện và phụ tùng, hóa chất… Đồng thời, các DN trên địa bàn tỉnh phải chi hơn 1,6 tỷ USD/tháng để nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp. Nếu kết nối tốt từng ngành hàng với nhau, DN sẽ có thêm thị trường tiêu thụ nội địa, các DN vốn đầu tư nước ngoài có thể nhập khẩu tại chỗ, rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, sản xuất, kinh doanh sẽ chủ động hơn. Bên cạnh đó, khi mua nguyên liệu của DN trong nước, các DN xuất khẩu sẽ dễ dàng được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất qua các thị trường Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại. Vì một trong những tiêu chí để DN hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại là đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.
Qua từng đợt xúc tiến thương mại, các đơn vị tổ chức cần có đánh giá cụ thể về hiệu quả của chương trình, lấy ý kiến DN xem đã phù hợp chưa để điều chỉnh. Xúc tiến thương mại tại chỗ làm tốt, các DN kết nối được với nhau sẽ giúp cho xuất siêu của Đồng Nai cũng như cả nước sẽ tăng cao.
Uyển Nhi