Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích nghi, thay đổi để giữ thị phần

08:02, 28/02/2023

Sẽ không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu chúng được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng… là nội dung đáng chú ý nhất của Quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng được Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất xây dựng vào tháng 11-2022. Đến tháng 12-2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã được thông qua.

Sẽ không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu chúng được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng… là nội dung đáng chú ý nhất của Quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng được Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất xây dựng vào tháng 11-2022. Đến tháng 12-2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã được thông qua.

Cung cấp thông tin tổng quan về quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về các sản phẩm không phá rừng, ông Jesus Lavina, Phó ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho hay quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng dự kiến tháng 6 này sẽ có hiệu lực và dự kiến tháng 12-2024 bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với nhà vận hành từ tháng 6-2025 đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ.

Khi đi vào thực thi, chỉ những sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU. Các nghĩa vụ chính được áp dụng cho các nhà vận hành và thương nhân không phải là DN vừa và nhỏ (nguồn: VnEconomy).

Những mặt hàng dự kiến sẽ chịu tác động bởi quy định này gồm: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: chocolate, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in..). Danh sách này cho thấy khi quy định được áp dụng, nhiều ngành hàng và DN tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng sẽ chịu tác động khá lớn, đặc biệt là nhóm DN sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm in, ca cao, cà phê, sản phẩm từ chăn nuôi…

Việc các thị trường khó tính (châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…) từng bước siết lại các hàng rào kỹ thuật, quy định hàng hóa nhập khẩu không phải là câu chuyện mới. Song hành với độ mở của các hiệp định thương mại tự do là một xu hướng khác: siết chặt các quy chuẩn về môi trường, con người, dịch bệnh, chất lượng… của mọi loại hàng hóa. Áp lực ở đây sẽ là hàng hóa Việt Nam vừa phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập tại sân nhà, vừa phải chạy đua để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khó của nhiều nước trên thế giới.

Nhìn rộng ra, không chỉ các thị trường vốn được đánh giá là “khó tính” siết lại các tiêu chí mà những thị trường lâu nay được cho là “dễ dãi” như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng đang dần đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa. Xu hướng này sẽ là xu hướng bền vững trong tương lai khi nó đáp ứng được cùng lúc nhiều yêu cầu: bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ hàng hóa và DN trong nước trước làn sóng hàng nhập khẩu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do…

Chính vì vậy, việc tìm hiểu để nắm rõ thông tin, quy định, có chiến lược thay đổi và thích nghi để đáp ứng các yêu cầu khó khăn hơn của nhiều thị trường nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi, thị phần cho chính mình luôn là vấn đề “nóng hổi, cấp thiết” của nhiều DN.

Vi Lâm

Tin xem nhiều