Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp mong được chia sẻ khó khăn

09:03, 13/03/2023

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc như: giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục leo thang, khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng, thị trường trong nước, xuất khẩu bị thu hẹp kéo theo sản xuất giảm…

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc như: giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục leo thang, khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng, thị trường trong nước, xuất khẩu bị thu hẹp kéo theo sản xuất giảm… Trong bối cảnh đó, DN đang chật vật chống đỡ để duy trì qua quý I, II-2023 và chờ đợi tình hình sẽ sáng sủa hơn trong 2 quý cuối năm. Nhưng tất cả vẫn còn là ẩn số khi suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát, bất ổn tỷ giá, chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như: Hoa Kỳ, châu Âu lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt (châu Âu đã giảm tới 60%, Hoa Kỳ giảm 30-40%), hàng tồn kho tăng lên 20-25%. Do đó, quý I-2023, khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Hệ quả là nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất

Với ngành gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các DN nội địa. Cụ thể, 10% DN còn 50% đơn hàng, 50% DN còn 30-40% đơn hàng, các DN còn lại không có đơn hàng. Vì thế, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền xoay vòng. Bên cạnh đó, ngành giày dép, máy tính và linh kiện điện tử, xơ sợi dệt… cũng chịu cảnh đơn hàng giảm mạnh. DN phải cho lao động nghỉ việc 2-3 ngày/tuần.

Trong tình cảnh trên, DN đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Do đó, các DN đều trông đợi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm giải phóng nguồn vốn cho DN. Hiện các DN rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng. Lý do các ngân hàng đưa ra là đang hết room tín dụng, không có nguồn tiền gửi để cho vay, DN không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay… Ngân hàng cần nhận diện các khó khăn này để hỗ trợ DN, bằng cách mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay…

Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của DN. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, DN hy vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có giải pháp huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Các giải pháp hỗ trợ kịp thời trên sẽ giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn để chờ cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích