Trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai hơn 260 dự án khu dân cư, khu đô thị lớn nhỏ, tập trung nhiều tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai hơn 260 dự án khu dân cư, khu đô thị lớn nhỏ, tập trung nhiều tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Đây cũng là những khu vực có công nghiệp phát triển, thu hút nhiều lao động từ các nơi về sinh sống. Các dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai đa số được chuyển tiếp từ giai đoạn trước qua, song đến nay số dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và được xây dựng nhà ở, có người dân đến sinh sống rất ít.
Qua tìm hiểu, có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đã được phê duyệt từ 5-10 năm trước nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án triển khai chậm như: vướng các thủ tục liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đất lúa, đất rừng, đất công, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, hàng loạt dự án khu dân cư, khu đô thị và các dự án trên lĩnh vực khác “giậm chân tại chỗ” vì vướng vào đất công chưa có hướng giải quyết. Cụ thể, trong khu vực dự án có một số con mương, suối, đường mòn mà theo quy định đây là đất công. Với đất công thì phải đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, diện tích đất suối, mương, đường mòn quá nhỏ, rất khó đưa ra đấu giá.
Trước đây, tỉnh có đề xuất Chính phủ cho chuyển đổi các khu đất công là sông, suối, đường mòn, kênh mương… trong dự án thành một khu đất lớn có diện tích tương đương, nằm nguyên một thửa để dễ dàng cho khâu đấu giá. Thế nhưng, vấn đề này có thể phát sinh là nếu như một đơn vị khác không phải chủ đầu tư dự án trên trúng đấu giá khu đất sẽ khiến dự án dang dở. Đến nay, vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ và vẫn phải đợi hướng dẫn từ Chính phủ. Do thời gian chờ đợi giải quyết vướng mắc lâu nên nhiều dự án sẽ bị chậm tiến độ, doanh nghiệp (DN) phải mất nhiều thời gian đề nghị gia hạn dự án.
Ngoài ra, có không ít trường hợp chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị sau khi được tỉnh phê duyệt dự án không đủ khả năng triển khai đã chuyển lại dự án cho DN khác dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần công ty. Với hình thức trên, có những dự án đã được qua tay từ 4-6 DN vẫn chưa xây dựng xong. Trong đó, có những DN nhận chuyển nhượng lại dự án không phải để thực hiện một khu dân cư, khu đô thị theo quy hoạch mà chỉ nhắm đến việc đầu tư, đợi giá đất tăng sẽ bán lại dự án cho một DN khác kiếm lời.
Vì thế, nhiều người dân cho rằng, tỉnh nên phối hợp với địa phương rà soát kỹ từng dự án khu dân cư, khu đô thị, những chủ đầu tư nào không đủ khả năng thực hiện dự án thì nên thu hồi, mời gọi DN đủ khả năng để thực hiện. Như vậy sẽ giảm được tình trạng vi phạm hoặc dự án sang nhượng nhiều lần vẫn chưa hoàn thành.
Hương Giang