Năm 2022, Việt Nam chi trên 3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2022, Việt Nam chi trên 3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có đến 40% nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ những thị trường tiềm ẩn các yếu tố rủi ro như: châu Phi, Papua New Guinea, Lào, Argentina… Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, vì đây là một trong những ngành sản xuất chủ lực.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với nhiều quốc gia và thuế xuất, nhập khẩu với sản phẩm gỗ tại nhiều nước đang giảm dần hoặc đã về 0%. Đi cùng với chính sách giảm thuế, các nước tham gia hiệp định cũng đặt ra hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn, đòi hỏi sản phẩm truy rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường, lao động…
Do đó, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ những thị trường tiềm ẩn các yếu tố rủi ro có thể sẽ gây ra những tổn hại cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Vì khách hàng có thể dừng, hủy đơn hàng nếu phát hiện nguyên liệu gỗ không đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài thiệt hại về đơn hàng, doanh thu, DN còn bị ảnh hưởng đến thương hiệu đã xây dựng trong nhiều năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai là nơi có sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ hai trên cả nước nên các DN muốn giữ thương hiệu, đơn hàng cần chú ý lựa chọn nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ những thị trường ít rủi ro. Với Đồng Nai, sản xuất gỗ là một trong 5 ngành sản xuất chủ lực và có kim ngạch xuất khẩu 1,7-1,9 tỷ USD/năm nên ngành này có tác động tiêu cực sẽ ảnh hưởng lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai là hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng tập trung ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc. Đây là những quốc gia đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, xuất xứ của sản phẩm. Trong đó, các quốc gia trên đều khuyến khích các dòng sản phẩm gỗ sản xuất thân thiện với môi trường. Nhiều nhãn hàng quốc tế từ các thị trường trên đã yêu cầu các nhà máy sản xuất gỗ tại Việt Nam cũng như Đồng Nai phải có lộ trình tham gia vào kinh tế tuần hoàn và hướng đến phát triển bền vững.
Trong vòng xoáy của suy giảm kinh tế toàn cầu, bên cạnh việc chọn nguồn nguyên liệu chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, DN phải quan tâm đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ các nước khác. Ở cuộc đua giành thị phần tại các nước thì DN nào đi trước trong sản xuất xanh sẽ có thêm cơ hội nhận được nhiều đơn hàng.
Khánh Minh