Thưa chị Tâm Đan!
Em và một số bạn bè hiện có cùng một nỗi lo khi con cái quá mê chơi game, có đứa còn bỏ cả học hành. Nơi em ở không phải là vùng sâu, vùng xa nhưng hơi xa phố thị.
Thưa chị Tâm Đan!
Em và một số bạn bè hiện có cùng một nỗi lo khi con cái quá mê chơi game, có đứa còn bỏ cả học hành. Nơi em ở không phải là vùng sâu, vùng xa nhưng hơi xa phố thị. Chúng em đều làm rẫy, trồng lúa, nuôi heo gà. Đời sống vật chất ở vùng này nhìn chung còn khó khăn nên gia đình nào cũng phải bươn chải, làm đủ cách để kiếm tiền. Nhưng dù nghèo, gia đình nào cũng đều thương yêu, lo lắng cho tương lai của các con. Trong ấp, nhà hơi khá giả đôi chút thì cho con đi học thêm, có cháu học mấy môn. Nhưng một số trường hợp đã lấy tiền học phí để chơi game, vào mạng internet. Chúng em rất lo, không biết làm thế nào để con cái đừng lao sâu vào những trò chơi này?
Thu Cúc (huyện Định Quán)
Thân gửi bạn Thu Cúc!
Trước hết, tôi phải nói với bạn rằng internet có nhiều tiện ích giúp cho đời sống của con người. Trò chơi game cũng có những lợi ích nhất định, miễn là chúng ta biết sử dụng nó một cách hợp lý. Về những băn khoăn của bạn, tôi xin góp ý vài điều:
Thường các bậc cha mẹ thấy con không lo học hành, chỉ dán mắt vào màn hình máy tính thì rất bực bội, khó chịu. Ai cũng muốn con mình chú tâm vào bài học, đó là tâm lý chung. Nhưng ở lứa tuổi học sinh nói chung lại cứ mê mẩn những trò đánh đấm, rượt đuổi, bắn phá... trên máy tính, chẳng thiết gì bài vở. Vì sao vậy? Vì những trò chơi hấp dẫn, biến hóa khôn lường rất phù hợp với tâm lý hiếu động, ham tìm hiểu, khám phá thế giới của trẻ em. Có nhiều người cấm đoán mãi chẳng được bèn... bỏ luôn, mặc kệ con cái muốn làm gì thì làm. Ngược lại, một số phụ huynh tỏ ra rất tự hào vì con mình điều khiển máy tính rất thành thạo, chẳng khác gì… nhà nghề. Những cách ứng xử ấy của cha mẹ đều không phù hợp. Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp con em quá say mê game thì sự mắng mỏ, cấm đoán của cha mẹ sẽ chẳng thu được kết quả tốt. Theo tôi, thái độ của phụ huynh là nên tìm hiểu để biết game là gì, nhờ đó mà hiểu vì sao con mình mê game, và mình phải dẫn dắt con như thế nào. Thường cha mẹ muốn con bỏ chơi game, nhưng điều đó rất khó và cũng không cần thiết. Trẻ em có thể chơi game với liều lượng vừa phải. Ví dụ mỗi tuần được ngồi trên vi tính 1-2 tiếng đồng hồ, đó sẽ là trò giải trí tốt cho trẻ sau khi các em đã nỗ lực học hành. Chơi game cũng góp phần rèn luyện cho trẻ năng lực tư duy nhạy bén, khéo léo trong xử lý tình huống, kích thích trí tưởng tượng... Tóm lại, chơi game có mức độ thì không hại gì đến việc học tập và sự phát triển bình thường của trẻ.
Trường hợp con bạn quá say mê game thì đúng là phải xem lại quan hệ của mình với trẻ. Sự lệ thuộc của trẻ con vào trò chơi thường là do chúng không tìm được niềm vui nào khác. Trẻ có thể cảm thấy bị bó buộc quá mức khi ở nhà, dẫn đến chỗ buồn bã, chán học, bất mãn với cha mẹ, thầy cô giáo, không hòa hợp được với bạn bè... nên tìm đến game. Như vậy, muốn giảm bớt sự say mê game của con em thì cha mẹ phải giúp các cháu giải tỏa được những vướng mắc. Chẳng hạn tìm những sân chơi bổ ích khác, như: thể thao, đọc sách, xem phim... cũng là cách khắc phục bệnh mê game.
Tâm Đan