Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu chiều sâu trong phòng chống dịch bệnh

08:08, 15/08/2011

Con số trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) ở Đồng Nai khiến không ít người giật mình, đặc biệt là đối với những gia đình có con nhỏ.

Con số trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) ở Đồng Nai khiến không ít người giật mình, đặc biệt là đối với những gia đình có con nhỏ. Giật mình, lo lắng cũng phải bởi đây là căn bệnh hiện chưa có thuốc phòng ngừa lẫn phác đồ điều trị đặc hiệu. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh, có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Một số phụ huynh có con nhỏ hiện sống ở những phường “vùng ven” của TP. Biên Hòa như Long Bình, An Bình, Tân Hiệp… phản ảnh rằng họ chưa từng được cán bộ khu phố hay y tế phường tới nhà hay gặp gỡ để tuyên truyền về dịch bệnh. Nơi họ ở cũng chưa một lần được phun xịt hóa chất hay vận động dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường để phòng chống dịch bệnh. Kiến thức về bệnh TCM hay sốt xuất huyết mà họ có được chủ yếu là qua các phương tiện truyền thông. Câu hỏi đặt ra là: ngành y tế đã thực sự vào cuộc trước một loại dịch bệnh có khả năng gây tử vong nhanh ở trẻ?
Ngành y tế vẫn cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay chưa huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, thậm chí có lúc, có nơi còn tồn tại tư tưởng “khoán trắng” cho ngành y tế. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi nói như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyến kiểm tra dịch bệnh tại Đồng Nai ngày 14- 8, thì dù tỉnh đã thành lập được Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; tích cực truyền thông, triển khai các biện pháp phòng chống và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí, nhưng việc phòng bệnh mới ở bề rộng, thiếu chiều sâu. Chiều sâu ở đây chính là việc chúng ta đang thiếu những phương pháp tuyên truyền hiệu quả, thiết thực; thiếu sự nhạy bén trong việc chẩn đoán, phân loại, điều trị bệnh. Bộ trưởng cho rằng, Đồng Nai chưa phân loại được có bao nhiêu ca TCM điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh, bao nhiêu ca điều trị vượt tuyến, bao nhiêu trường hợp mắc bệnh, tử vong tại gia đình, ở nhóm trẻ hay trường mầm non. Tóm lại, những thông tin cần thiết để ngành có giải pháp phòng chống dịch kịp thời còn thiếu và yếu. Do vậy, những nỗ lực dập dịch của Đồng Nai đã và đang tỏ ra kém hiệu quả.
Con số gần 3,7 ngàn ca mắc bệnh TCM, 16 ca tử vong mới chỉ là những con số mà ngành y tế ghi nhận được. Con số thực tế có thể sẽ còn cao hơn nhiều bởi đã có những trường hợp, bệnh nhi tử vong ở bệnh viện tuyến trên mà ngành y tế địa phương không biết. Do vậy mà việc khoanh vùng dịch bệnh có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Công tác chẩn đoán và điều trị cũng chưa thể khiến người dân an tâm. Dẫu biết rằng đây là khó khăn chung, nhưng với bề dày truyền thống trong công tác phòng chống dịch bệnh, hy vọng ngành y tế sẽ có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để giảm thiểu đến mức thấp nhất số trẻ tử vong do căn bệnh TCM gây ra.

Nguyễn Phượng

 

Tin xem nhiều