Cách đây 50 năm, ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam tiến hành rải thí nghiệm chất dioxin xuống Tây Nguyên, cực Nam Trung bộ, cùng một số khu vực thuộc Chiến khu Đ và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Cách đây 50 năm, ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam tiến hành rải thí nghiệm chất dioxin xuống Tây Nguyên, cực Nam Trung bộ, cùng một số khu vực thuộc Chiến khu Đ và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Tính từ năm 1961 đến cuối tháng 10-1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, trong đó có 61% là chất da cam có chứa hàm lượng dioxin cao.
Cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam đã hủy diệt 3,8 triệu hecta rừng tự nhiên, 250 ngàn hecta đất trồng lúa và hoa màu; 150 ngàn hecta rừng ngập mặn; 30 ngàn hécta đất trồng cây cao su; 25.585 thôn bản làng dân cư sinh sống... Tác hại của chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam là vô cùng to lớn với tự nhiên và con người: 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân.
Đồng Nai nằm trong vùng III chiến thuật và cửa ngõ bảo vệ phía Đông Bắc Sài Gòn, có sân bay Biên Hòa và Tổng kho liên hợp Long Bình là bãi chứa bom tải các loại chất độc hóa học để đi đánh phá, phun rải ở các tỉnh trong miền Nam và miền Bắc. Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong vùng hủy diệt bằng chất khai quang của quân đội Mỹ. Vì vậy, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có 13.145 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 8 ngàn người là nạn nhân, hơn 3 ngàn trẻ em dưới 18 tuổi bị dị dạng, dị tật do chất độc của quân đội Mỹ gây ra. Hàng trăm nạn nhân đã chết, hàng ngàn nạn nhân đang mắc các bệnh ung thư và các bệnh nan y khác.
Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước chi từ 2-3 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng cho trên 2.214 nạn nhân là người tham gia kháng chiến và con của họ, các Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng với các đoàn thể, MTTQ tỉnh vận động từ 2-3 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân và các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc trên 2.000 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Công tác nuôi dưỡng, trị bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật cũng được quan tâm.
Kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam, là dịp để khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ghi nhớ những mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây còn là nhịp cầu hữu nghị, gắn kết với nạn nhân chất độc da cam các nước trên thế giới thành một khối thống nhất, hành động vì mục tiêu chung: đấu tranh chống chiến tranh hóa học, chống vũ khí giết người hàng loạt, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sống, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam.