Theo quy hoạch mạng lưới điện quốc gia, hai dự án (DA) thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong danh mục các DA nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2011-2020.
Theo quy hoạch mạng lưới điện quốc gia, hai dự án (DA) thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong danh mục các DA nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2011-2020. Trong đó, thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 135MW; Đồng Nai 6A công suất 106MW, tổng sản lượng điện hàng năm của hai công trình đạt trên 997 triệu kWh. Với mực nước dâng bình thường cao 224 mét thì hai công trình thủy điện này nhấn chìm 345 hécta đất các loại, trong đó có 137 hécta đất rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là DA ảnh hưởng đến vùng môi trường nhạy cảm, đó là sử dụng diện tích của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Do đó, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là bắt buộc và mang tính quan trọng. Bởi, nếu DA đi vào hoạt động thì trên sông Đồng Nai có 16 đập thủy điện, điều đó đang đặt ra những thách thức lớn đến toàn bộ hệ sinh thái trên sông Đồng Nai và diện tích rừng Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Giai đoạn DA đưa vào khai thác thì chế độ dòng chảy sẽ nặng nề hơn, nhất là vùng hạ lưu thuộc tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, việc tích nước hồ thủy điện sẽ làm giảm dòng chảy lũ, gia tăng dòng chảy kiệt. Những tác động này làm sông Đồng Nai từ một dòng sông chảy tự nhiên, chuyển sang một loạt các hồ trữ nước, dẫn đến quá trình chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa lũ trên sông Đồng Nai bị rút ngắn và có thể sẽ biến mất, nhất là các loài thủy sinh sẽ không còn nhận được tín hiệu của dòng sông để sinh sản theo bản năng. Sự giảm năng suất của cá thiên nhiên sẽ tác động rất lớn đến an ninh thực phẩm trong toàn vùng. Kế tiếp, việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lên lưu vực sông Đồng Nai còn ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái của VQG Cát Tiên, trong đó có 87 hécta rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ tính trong giai đoạn xây dựng, công trình sẽ phá hủy các thảm thực vật, gồm: rừng kín thường xanh, rừng hỗn giao, rừng tre nứa, trảng cây bụi, làm mất nơi cư trú, thay đổi tập tính, nguồn thức ăn và vùng sống của toàn bộ thú rừng.
Tuy nhiên, công tác đánh giá tác động môi trường của hai công trình Đồng Nai 6 và 6A chưa đầy đủ. Nếu tất cả 16 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai cùng giữ nước và cùng xả nước vào mùa lũ thì sẽ tác động nặng nề đến môi trường cuộc sống. Cụ thể, toàn bộ hệ sinh thái rừng trên cạn như tre nứa, cây bụi, trảng cỏ… nằm giáp sông Đồng Nai sẽ bị ngập nước quanh năm và dần chuyển thành rừng ngập nước theo mùa. Đáng kể là khi sinh cảnh thay đổi thì thành phần loài bên trong cũng sẽ thay đổi và một khi kéo dài tình trạng này thì động vật rừng sẽ di cư đi nơi khác hoặc sẽ bị tuyệt chủng. Ngoài ra, thảm thực vật sẽ xuất hiện nhiều loài mới khi giao thoa với thực vật bản địa, từ đó làm mất đi kiểu rừng nguyên sinh và thành phần loài ban đầu. Điều đáng lưu ý là trong khi thế giới đang ngưng đầu tư thủy điện thì chúng ta lại tăng cường làm thủy điện trên những con sông mà xem nhẹ sự cân đối giữa các lưu vực và sức chịu tải của những dòng sông đó. Đây là cơ sở khoa học rất cần thiết trong việc đánh giá tác động môi trường thuộc phạm vi DA.
Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ ba của cả nước với hai nhánh phụ là sông La Ngà và sông Bé. Cùng với 14 đập thủy lợi khác trên thượng nguồn sông Đồng Nai, hai công trình thủy lợi này ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai. Cụ thể, các hoạt động trong quá trình thi công sẽ phá hủy thảm thực vật, làm thay đổi dòng chảy và ô nhiễm chất lượng nước sông và gây xói mòn, sạt lở hai bên bờ sông. Từ đó sẽ có những tác động trực tiếp lên thủy sinh vật mà chủ yếu là cá. Mặt khác, hoạt động của thủy điện làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước, đồng thời xáo trộn môi trường sống.
Để có hình hài như ngày nay, sông Đồng Nai đã phải trải qua ít nhất 5,5 triệu năm để có sự uốn lượn qua các dạng địa hình, địa mạo. Điều đó gây lo sợ về một dòng sông bị “đổi dòng”, khi đó thảm họa tất yếu sẽ xảy ra: “lũ quét đại hồng thủy” cho cả dân cư và hệ sinh thái.