Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với một đất nước có trên 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông thôn như nước ta. Đây là chương trình mang tính chiến lược quốc gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với một đất nước có trên 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, nông thôn như nước ta. Đây là chương trình mang tính chiến lược quốc gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Các xã trong cả nước được chọn thí điểm để triển khai chương trình này trong những năm qua đều có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, giáo dục, y tế…có những đổi thay quan trọng, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, tạo ra diện mạo mới của vùng nông thôn rất đáng vui mừng.
Ở Đồng Nai, Xuân Lộc là huyện được tỉnh chọn để triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới với 2 xã điểm là Xuân Định và Xuân Phú. Trong 2 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân Xuân Định đã mạnh dạn chuyển đổi từ các giống cũ sang trồng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, với tỷ lệ chiếm trên 80%, giá trị kinh tế bình quân từ 100 - 250 triệu đồng/hécta. Toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa gần 26km đường với tổng kinh phí đầu tư gần 12,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp từ 50 - 100% kinh phí, cùng hàng chục ngàn ngày công lao động, nâng tỷ lệ đường giao thông được “cứng hóa” đạt gần 100%... Còn ở xã Xuân Phú, thành công nổi bật nhất chính là việc hình thành và phát triển 26 câu lạc bộ năng suất cao, 1 liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao và 3 hợp tác xã, thu hút gần 1.200 hội viên tham gia. Từ các mô hình này đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân và hội viên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất và nhất là đã cơ giới hóa đạt từ 80-100% tùy theo từng công đoạn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở xã Xuân Phú còn xuất hiện các vùng trồng rau sạch, rau an toàn do nông dân thực hiện với mức thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/hécta... Nhờ kinh tế phát triển, 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện đã có điều kiện đầu tư cho giáo dục, xây dựng nhà văn hóa và nhiều công trình phục vụ dân sinh…
Những kết quả bước đầu của 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới thuộc huyện Xuân Lộc là kinh nghiệm quý báu và là cơ sở thực tiễn để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh tiếp tục chọn huyện Xuân Lộc và 33 xã thuộc 10 huyện, thị xã để xây dựng xã nông thôn mới. Dự tính đến năm 2015, nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên trên 26 triệu đồng/người/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp đến năm 2015 đạt gần 92,5 triệu đồng/hécta/năm và cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh...
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiềm năng và lợi thế của một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần được phát huy tích cực. Cùng chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển nông thôn mới có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh giàu đẹp, gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.