Có nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc tọa đàm “Nhà báo phải biết tự bảo vệ” do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Cơ quan thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 19-6.
Có nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc tọa đàm “Nhà báo phải biết tự bảo vệ” do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Cơ quan thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 19-6.
Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình, phải chăng điều đó đặt ra giới hạn tầm hoạt động của nhà báo phải trong phạm vi cho phép của pháp luật? Phải chăng là bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết và tay nghề của nhà báo để không vượt qua giới hạn của luật pháp? Nhà báo Lý Trung Dung, Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, cho rằng nhà báo phải am hiểu luật pháp, phải biết “điểm dừng” để tự bảo vệ mình, không thể dũng cảm xông pha theo kiểu bất chấp để dẫn đến hệ lụy xấu. Khi nhà báo đã không tự bảo vệ được mình thì làm sao có thể bảo vệ người khác?
Một số vụ việc nhà báo phải “vác chiếu” ra tòa hoặc bị xử lý kỷ luật đã được các luật sư và nhà báo xới lên, phân tích cho thấy việc nhà báo không am hiểu pháp luật, không cẩn trọng, hoặc háo danh dẫn đến hoạt động tác nghiệp vượt quá giới hạn đã đem lại hậu quả xấu cho chính mình mà còn làm ảnh hưởng uy tín đến tờ báo.
Nhà báo là một nghề khắc nghiệt, khi áp lực thông tin ngày càng đòi hỏi sự nhanh nhạy, được tính trong từng giây phút, đòi hỏi phải dấn thân nhiều hơn và sự dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ công lý, chống cái ác, cái xấu, gầy dựng niềm tin trong nhân dân. Chính vì vậy, để có thể bảo vệ mình, nhà báo cần phải có cái tâm trong sáng và xây dựng chuẩn mực đạo đức báo chí. Không viết lách từ những suy nghĩ, tính toán vụ lợi riêng tư. Không vì sự hám danh mà thổi phồng sự việc. Không để bị vật chất cám dỗ và cũng không để bị thế lực tiêu cực chi phối. Thông tin cần sự trung thực, khách quan bởi công chúng luôn có độ tin cậy nhất định vào báo chí. Hơn ai hết, nhà báo phải chí công vô tư và có đạo đức nghề nghiệp. Về khách quan, để nhà báo có thể tự bảo vệ mình cũng cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe và trừng phạt đối với các hành vi xâm phạm đến quyền hành nghề và cản trở nhà báo tác nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức làm báo. Người sử dụng ngòi bút không vì danh lợi, tên tuổi mà chỉ hướng đến mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, Tổ quốc. Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình vì mục tiêu lý tưởng cao cả để làm tròn trách nhiệm đối với xã hội và để “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà...” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xuân Phú