Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh nước ta có những thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động của tổ chức Công đoàn chưa bao giờ lại đòi hỏi phải đổi mới để phát huy được vai trò quan trọng là bảo vệ quyền lợi gần 8 triệu công nhân viên chức, lao động, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh nước ta có những thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động của tổ chức Công đoàn chưa bao giờ lại đòi hỏi phải đổi mới để phát huy được vai trò quan trọng là bảo vệ quyền lợi gần 8 triệu công nhân viên chức, lao động, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thực tế hoạt động của tổ chức Công đoàn thời gian qua cho thấy, chưa phải lúc nào, ở đâu, Công đoàn cũng sát cánh cùng người lao động. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một nguyên nhân được nhiều cán bộ Công đoàn thổ lộ nhất, đó vẫn là tiếng nói của Công đoàn chưa được xem trọng, nhất là ở những tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cán bộ Công đoàn, thậm chí là Chủ tịch Công đoàn cơ sở vẫn là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp và dù có muốn bảo vệ quyền lợi cho người lao động, họ cũng chưa thể vượt qua được khoảng cách chủ-thợ. Và lẽ dĩ nhiên, việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn sẽ còn hạn chế, ràng buộc. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp, việc cho phép thành lập tổ chức Công đoàn chủ yếu vẫn là “cho có” mà chưa thực sự xem đây là cầu nối để gắn kết người lao động với doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu Công đoàn cần chăm lo, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ công nhân, lao động phải nâng mình lên một tầm cao mới - tầm cao không chỉ về lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà cả về sự nhận thức vai trò, vị trí chính trị to lớn của giai cấp công nhân - giai cấp làm chủ vận mệnh của đất nước, lại đang có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa.
Muốn thực hiện được điều này, Công đoàn càng cần phải làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động. Trong đó, quan trọng nhất là phải đổi mới hoạt động Công đoàn một cách phong phú hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp và thiết thực với từng đối tượng, tránh máy móc, đơn giản, tẻ nhạt, khắc phục tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa đoàn viên, xa người lao động. Và người cán bộ Công đoàn phải có năng lực, trình độ và bản lĩnh để thực sự bảo vệ được quyền lợi đối tượng mà mình là đại diện.
Nguyễn Phượng