Tuần qua, một trang mạng xã hội khá phổ biến trong giới trẻ TP. Biên Hòa truyền đi một tấm ảnh được nhiều người quan tâm: mấy đứa trẻ đang dùng thùng rác làm phao bơi ở khu vực Công viên Biên Hùng sau một cơn mưa
Tuần qua, một trang mạng xã hội khá phổ biến trong giới trẻ TP. Biên Hòa truyền đi một tấm ảnh được nhiều người quan tâm: mấy đứa trẻ đang dùng thùng rác làm phao bơi ở khu vực Công viên Biên Hùng sau một cơn mưa. Thật ấn tượng với cảnh những thùng rác màu cam nổi bật được đám trẻ hiếu động úp lại làm phao bơi lóp ngóp giữa phố. Bùng binh trung tâm thành phố thoắt trở thành một hồ bơi lộ thiên mênh mông nước.
Song, những hình ảnh hồn nhiên ấy lại làm cho chính quyền thành phố đau đầu. Không thể phủ nhận, tốc độ đô thị hóa và những luồng dân nhập cư từ các nơi khác đổ về Biên Hòa đang khiến thành phố này ngày càng quá tải: quá tải nhà ở, quá tải giao thông, quá tải giáo dục… và quá tải cả hệ thống thoát nước!
Biên Hòa không ngập úng khi có mưa mới là lạ! Bởi, quy hoạch đô thị ở Biên Hòa hàng chục năm về trước chỉ dự kiến hệ thống cấp thoát nước đủ cho vài trăm ngàn dân, chưa tính tới việc dân số sẽ nhảy vọt lên đến gần cả triệu người. Nên bây giờ mọi người đã quen với cảnh chỉ sau một cơn mưa kéo dài 20-30 phút là đủ làm nên những “dòng sông” giữa phố. Lãng mạn không nổi bởi xe chết máy, buôn bán đình đốn, nước bẩn tràn vào nhà dân…
Nhưng cũng khó đổ thừa cho việc đô thị hóa. Vì một lý do nào đó, rõ ràng người ta chỉ mới chú ý xây cầu, mở đường mà quên rằng hệ thống thoát nước có tuổi đời gần nửa thế kỷ của thành phố cũng cần được chăm nom. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Biên Hòa chỉ mới thêm một vài con đường mới… Đường mới, tức là hệ thống thoát nước cũng mới. Song, lạ lùng là cả những con đường mới cũng trở thành nửa phố nửa sông khi mưa xuống.
Không phải chính quyền không thấy điều này. Năm 2005, đề án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho thành phố đã được Chính phủ phê duyệt về chủ trương với kinh phí dự tính khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng. Song, khi nguồn vốn chưa có thì mới đây, một cuộc rà soát lại các hạng mục phải đầu tư đã đẩy chi phí dự kiến cho dự án này lên 13 ngàn tỷ đồng. Một nguồn vốn cực lớn với Biên Hòa! Hiện thành phố đang xin vay vốn để tiến hành giai đoạn 1 từ nguồn ODA, song chưa có câu trả lời, và chưa biết bao giờ mới có.
Vì vậy, cái cảnh “sông” giữa phố trong ít nhất là vài năm tới có lẽ vẫn quen thuộc với người dân Biên Hòa…
KIM NGÂN