Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham vọng mù quáng!

08:07, 08/07/2013

“ Nếu công trình vận hành như báo cáo của chủ đầu tư thì tổng công suất của 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN6 và 6A) là 241MW. So với nhu cầu điện theo sơ đồ VII  tới năm 2020 (75.000MW) chỉ chiếm 0,321% và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146.800MW). Rõ ràng, phần đóng góp điện năng của dự án này không đáng kể, trong khi tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái cực kỳ lớn ”,

“ Nếu công trình vận hành như báo cáo của chủ đầu tư thì tổng công suất của 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN6 và 6A) là 241MW. So với nhu cầu điện theo sơ đồ VII  tới năm 2020 (75.000MW) chỉ chiếm 0,321% và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146.800MW). Rõ ràng, phần đóng góp điện năng của dự án này không đáng kể, trong khi tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái cực kỳ lớn ”,  TS. Phạm Hữu Khánh, chuyên gia về đa dạng sinh học, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), người đã có 28 năm gắn bó với Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, đã phản ứng gay gắt khi đề cập đến 2 dự án thủy điện này. Đó cũng là một nội dung trong báo cáo phản biện của các nhà khoa học VRN về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được gởi tới UBND tỉnh vào giữa tháng 6-2013. 

TS. Khánh nói, nếu công suất của 2 nhà máy thủy điện chỉ nhỏ bé như vậy thì hoàn toàn có thể sử dụng nguồn năng lượng khác để thay thế, không cần phải làm thủy điện, vì phải đánh đổi nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, trong bối cảnh thế giới và cả nước ta đang phải lo lắng đối mặt với biến đổi khí hậu.  Chính trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)  tại nơi dự kiến xây dựng 2 dự án thủy điện của chủ đầu tư tại VQG Cát Tiên đã ghi nhận có nhiều loài động vật , thực vật quý hiếm và nằm trong sách đỏ. Đấy mới chỉ là những tổn thất có thể nhìn thấy ngay, còn những tác hại về hủy diệt môi trường thì không thể đo đếm cho dù hậu quả cực kỳ ghê gớm, phải trả giá hàng trăm năm.

Trong nhiều năm qua, một “cuộc chiến” diễn ra rất quyết liệt giữa một bên rất kiên quyết bảo vệ môi trường , bao gồm:  các nhà khoa học, báo chí cả nước, chính quyền các tỉnh, thành miền Đông và người dân địa phương với một bên đòi “ hủy diệt “ môi trường là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A. Các kiến nghị dừng 2 dự án thủy điện này của các tỉnh, thành đã được gởi lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Mới đây nhất, ngày 3-7 Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tiếp tục ký văn bản kiến nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ loại bỏ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

Tất cả những lý lẽ để loại bỏ 2 dự án thủy điện này đều căn cứ vào pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đó còn là lương tri và tầm nhìn hàng trăm năm sau cho cuộc sống hàng chục triệu người dân ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Ngược lại, chủ đầu tư Đức Long Gia Lai cũng đang cố gắng bảo vệ một cách yếu ớt rằng, làm 2 dự án này ít tác động đến môi trường và đang tìm mọi cách “lobby” trì hoãn để có thể làm xoay chuyển tình thế.

Có thể thấy, vì lợi ích nhóm, vì lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp lắm khi làm cho người ta mù quáng, sẵn sàng đạp bỏ mọi thứ: bất chấp cả công luận, bất chấp cuộc sống của hàng chục triệu người dân và hủy diệt môi trường sinh thái đã được tạo lập hàng ngàn năm.

Tin xem nhiều