Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ngắn gọn, bao quát nhiều vấn đề lớn của đất nước, nhưng trong đó nhiều lần Bác nhấn mạnh đến từ “thật sự”. Vì sao Bác lại căn dặn “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”? Đó là vì Bác mong muốn mọi việc đều phải đi vào thực chất, tránh căn bệnh hình thức, giả dối.
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ngắn gọn, bao quát nhiều vấn đề lớn của đất nước, nhưng trong đó nhiều lần Bác nhấn mạnh đến từ “thật sự”. Vì sao Bác lại căn dặn “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”? Đó là vì Bác mong muốn mọi việc đều phải đi vào thực chất, tránh căn bệnh hình thức, giả dối.
Việc cải cách hành chính cũng vậy. Nhiều năm nay, các nghị quyết từ trung ương cho đến địa phương đều nhấn mạnh đến vấn đề này. Cải cách hành chính cũng là một trong những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng được đề cập tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Mới đây, ngày 22-5-2013, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg, theo đó yêu cầu triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực; đảm bảo chất lượng của kế hoạch cải cách hành chính. Điều này cho thấy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm và quyết tâm cải cách các thủ tục hành chính. Nhưng trong thực tế, cải cách hành chính vẫn như “cụ rùa” nhởn nhơ, các thủ tục, giấy tờ vẫn “hành là chính”. Vì sao?
Công bằng mà nói, không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ, thời gian qua hệ thống các thủ tục hành chính đã được cải cách khá nhiều, nhưng so với tổng thể thì hệ thống văn bản, quy định hiện nay vẫn chồng chéo, rườm rà, tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, gây bức xúc cho người dân cũng như doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, việc cải cách không phải bắt đầu từ giấy tờ, mà chính từ con người. Nhiều người hoài nghi, cho rằng việc chậm cải cách hành chính liên quan đến vấn đề “nhóm lợi ích”, vì một khi thủ tục hành chính còn thiếu minh bạch, rắc rối như ma trận, thì sẽ tạo cơ hội, đất sống cho tiêu cực nảy sinh và tồn tại.
Bỏ qua nghi vấn về tiêu cực trong việc chậm cải cách hành chính, thì để cải cách hành chính thật sự hiệu quả, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước - những người trực tiếp tiếp xúc với dân không chỉ cần có chuyên môn, năng lực, mà song song đó, rất cần là những người có “tâm”. Năng lực chuyên môn giỏi sẽ giúp người cán bộ nhanh chóng hoàn thành công việc trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất, nhưng cái “tâm” sẽ khiến người cán bộ kiên nhẫn lắng nghe những bức xúc của bác nông dân, ân cần hướng dẫn một bà cụ đang bối rối với mớ giấy tờ lộn xộn trong tay. Khi ấy, người cán bộ mới thực sự là công bộc của dân như lời Bác dạy, hình ảnh cán bộ, công chức nhà nước mới cải thiện tốt hơn trong mắt người dân.
Để làm được điều đó, hàng năm trong công tác bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cần có những lớp bồi dưỡng về quy tắc ứng xử, đạo đức, “PR công quyền” cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát cán bộ, công chức, nhất là các bộ phận tiếp xúc với dân, mạnh tay loại bỏ những công chức yếu kém, không đáp ứng yêu cầu. Có như vậy, công tác cải cách hành chính mới không còn mang tính hình thức, “hô khẩu hiệu”, chính quyền mới thật sự thân thiện với người dân, là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”.
Thanh Thúy