Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy tin yêu mà sống!

11:08, 07/08/2013

Cổ tích Việt Nam có câu chuyện "Sự tích chim bìm bịp", đại ý như sau: một nhà sư tu đã lâu năm mà chưa thành chánh quả, bèn lên đường sang Tây phương gặp Đức Phật hỏi nguyên do. Trên đường, nhà sư gặp tên cướp hung ác.

Cổ tích Việt Nam có câu chuyện "Sự tích chim bìm bịp", đại ý như sau: một nhà sư tu đã lâu năm mà chưa thành chánh quả, bèn lên đường sang Tây phương gặp Đức Phật hỏi nguyên do. Trên đường, nhà sư gặp tên cướp hung ác. Sau khi biết mục đích chuyến đi, tên cư­­ớp hối hận vì những tội ác đã phạm, nên tự mổ bụng, móc trái tim ra gửi nhà sư nhờ dâng hộ trái tim thành tâm hối cải của mình cho Phật. Đường đi dài ngày, trái tim ngày càng bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Đến một bờ sông, nhà sư nghĩ “Ta nhất tâm tu hành mấy chục năm nay mà còn chưa thành chánh quả, huống gì tên cướp đầy tội ác. Có mang tim của hắn đến gặp Phật cũng vô ích thôi”, thế là nhà sư vứt trái tim. Khi gặp, Phật hỏi: “Trên đường đi, ngươi có bỏ quên gì không?”. Nghĩ mãi không ra, nhà sư ngước mắt lên thì thấy tên cướp đang đứng hầu sau lưng Phật. Phật dạy: “Ngươi tu hành mà còn chấp nê, không bằng tên cướp đốn ngộ (tự giác ngộ), sao thành chánh quả?”. Hối hận, nhà sư quay trở lại bờ sông tìm lại trái tim của tên cướp, sau đó chết đi hóa thành chim bìm bịp...

Trong câu chuyện trên, nhờ tự giác ngộ, hiểu rõ lỗi lầm, tên cướp tội ác dẫy đầy sau khi “buông dao đồ tể là thành Phật”. Thực tế cuộc sống cũng vậy, trên bước đường hoàn lương của những người lầm lỡ, yếu tố then chốt, quan trọng nhất chính là quyết tâm của bản thân họ. Có những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi con người phải do chính mình quyết định, chọn lựa, không ai có thể làm thay, làm thế được. Trừ những kẻ đã mất hết lương tri, tính người cần phải loại bỏ khỏi cuộc sống, còn lại trong sâu thẳm mỗi người đều có thiên lương, luôn muốn hướng về đường ngay nẻo sáng, hướng về cái đúng, về điều tốt đẹp.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương. Một trong những giải pháp bước đầu phát huy hiệu quả, đó là mô hình giúp người hoàn lương có việc làm, thu nhập ổn định thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự do ngành công an chủ trì. Đến nay, toàn tỉnh đã có 374 người được vay vốn với số tiền trên 7 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Đa số người nhận vốn đã có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.

Nhưng bên cạnh đó, những người hoàn lương còn rất cần sự đồng cảm, vị tha từ cộng đồng. Định kiến của xã hội đã khiến những người lầm lỗi hầu như không xin được việc làm, nhất là tại các doanh nghiệp. Không việc làm, không có thu nhập, không ổn định được cuộc sống, bên cạnh đó kẻ xấu thì liên tục lôi kéo, con đường hoàn lương càng thêm chông chênh, xa hun hút. Sự định kiến, kỳ thị trong cộng đồng đôi khi còn đánh tan cả niềm tin làm lại cuộc đời le lói mong manh trong người hoàn lương. “Trong cuộc chiến giữa điều tốt và cái xấu của mỗi con người, cái xấu nhiều quyến rũ thì luôn lôi kéo, xúi giục, nếu người tốt lại bỏ rơi thì chính là đang gián tiếp tiếp tay cho cái xấu, cái ác lộng hành” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới nhận xét.­

Thanh Thúy

Tin xem nhiều