Một công chức cho biết, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, anh đã chới với khi được thông báo các khoản phí phải đóng cho con.
Một công chức cho biết, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, anh đã chới với khi được thông báo các khoản phí phải đóng cho con. Ngoài các khoản học phí, bảo hiểm các loại, vệ sinh, học tự chọn (học sinh bắt buộc phải học thêm 3 môn ngoài giờ chính khoá tại trường), nhắn tin điểm số... khoảng 2,3 triệu đồng/năm, thông qua Hội cha mẹ học sinh, nhà trường còn đề nghị phụ huynh “tự nguyện” đóng thêm các khoản: quỹ cha mẹ học sinh 450 ngàn đồng, mua máy chiếu trang bị cho lớp với mức 650 ngàn đồng/học sinh. Tổng cộng các khoản mỗi phụ huynh phải đóng lên đến hơn 3,4 triệu đồng, bằng đúng một tháng lương công chức của anh. “Có con đi học, cha mẹ như cá nằm trên thớt, giãy giụa thì con mình trầy vi tróc vảy. Thương con thì phải ráng thôi” - vị phụ huynh này ngậm ngùi.
Nhiều năm nay, cứ vào năm học, các khoản thu đầu năm của nhà trường lại trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh. Nhiều khoản thu được “gắn nhãn” tự nguyện, nhưng có thể tự nguyện không khi có những khoản thu được “ấn” xuống, như quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh... Trong khi đó, các đơn vị quản lý ngành GD-ĐT thì ra sức thanh, kiểm tra; ngược lại, các trường lại tìm đủ cách để “lách” quy định, không cho thu tiền cơ sở vật chất thì xoay qua thu tiền trang thiết bị phục vụ học tập, trường không được thu thì đã có “cánh tay nối dài” là ban đại diện cha mẹ học sinh...
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD-ĐT quy định các khoản đóng góp của phụ huynh phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Bởi, phụ huynh cũng có năm bảy trường hợp, có người có thể hào phóng rộng tay móc ra đóng góp gấp mấy lần so với yêu cầu, nhưng cũng có người đi họp phụ huynh với tâm trạng lo âu, hồi hộp bởi có nguy cơ gia đình phải nhịn ăn cả tháng vì các khoản đóng góp. Trong khi đó, chuyện đóng góp thì cứ “cào bằng”, bất chấp hoàn cảnh, thu nhập khác nhau giữa các gia đình. Đó là chưa kể, chuyện mỗi trường tự đặt ra những khoản thu khác nhau còn tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa “trường giàu” và “trường nghèo” khi tiền đóng góp cho quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của trường này gấp cả chục lần so với trường kia.
Vẫn biết rằng, do tình hình khó khăn chung, kinh phí dành cho các trường rất eo hẹp, trong khi đó đòi hỏi nhà trường hoạt động lại ngày càng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Là đơn vị không kinh doanh, không có lợi nhuận, các trường chỉ còn biết trông mong vào các vị phụ huynh, đó là điều cần phải thông cảm. Nhưng nếu các trường thực hiện tốt hơn chủ trương tự nguyện, thấu hiểu hơn tình cảnh khó khăn của những gia đình đang cố sức cân đối khoản thu nhập ít ỏi để cho con được tiếp tục đến trường, ắt sẽ không gây nên những bức xúc không đáng có trong phụ huynh vào những dịp đầu năm học. Nếu như các trường tiếp tục chọn cách làm “dễ cho mình, khó cho người”, bằng cách “ấn” các khoản đóng góp lên đầu phụ huynh một cách thiếu thuyết phục, thì “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng phụ huynh lại hoang mang vì những khoản đóng góp sau buổi tựu trường”...
Hà Giang