Nhiều người “té ngửa” khi một doanh nghiệp sản xuất trong ngành gỗ xuất khẩu cho biết doanh nghiệp ông đang phải chịu mức lãi suất trung - dài hạn lên đến 19%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần có chi nhánh tại Đồng Nai, ngay trong chính buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh và khối ngân hàng cùng hàng chục doanh nghiệp diễn ra ngày 13-9 mới đây.
Nhiều người “té ngửa” khi một doanh nghiệp sản xuất trong ngành gỗ xuất khẩu cho biết doanh nghiệp ông đang phải chịu mức lãi suất trung - dài hạn lên đến 19%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần có chi nhánh tại Đồng Nai, ngay trong chính buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh và khối ngân hàng cùng hàng chục doanh nghiệp diễn ra ngày 13-9 mới đây. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất đã giảm đến mức gần như thấp nhất có thể, và cao lắm cũng chỉ 12-13%/năm cho khu vực sản xuất - xuất khẩu, và nhất là với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất còn thấp hơn. Và đáng buồn là tình trạng này không hề hiếm và doanh nghiệp nhỏ chịu lãi suất cao trong thời điểm khó khăn này vẫn còn nhiều. Điều này khiến nhiều người suy nghĩ, liệu rằng các chính sách, quy định rất rõ ràng cụ thể về trần lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu của Chính phủ có được thực hiện đúng?
Hay như câu chuyện nóng gần đây nhất là gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng cho người mua nhà và doanh nghiệp đầu tư dự án với mục đích gỡ khó phần nào cho thị trường bất động sản, từ đó gây ảnh hưởng tốt lên các lĩnh vực kinh tế khác. Song, cho đến giờ này, sau gần 3 tháng thực hiện, Đồng Nai vẫn chưa thể giải ngân một khoản vay nào, bởi những quy định khắt khe về các sản phẩm bất động sản của gói hỗ trợ thì Đồng Nai quá ít. Ở quy mô cả nước, tốc độ giải ngân cũng không khá hơn là bao. Vậy, quảng bá chính sách này một cách rầm rộ xem ra cũng không “ăn thua”, trong khi những đối tượng thụ hưởng lại gặp quá nhiều khó khăn để chạm đến đồng vốn rẻ.
Đó là hai trong số những ví dụ về một thực tế diễn ra nhiều trong mấy năm gần đây: những chính sách rất tốt về mặt chủ trương nhưng đi vào thực tế lại không có tác dụng nhiều. Hay chính sách chỉ như “mưa mát mặt ai người ấy biết” và không mát được đến “dân cày” - ở đây là những người lao động có nhu cầu nhà ở và các doanh nghiệp nhỏ đang xoay trở rất khó khăn.
Những ngày cuối cùng của quý III năm 2013 sắp qua đi, thời gian mà giới sản xuất kinh doanh mong chờ nhất trong năm - quý IV sắp bắt đầu. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán nguyên vật liệu cho mùa sản xuất mới với hy vọng hàng hóa tiêu thụ tốt sẽ vớt vát giúp họ những ngày tháng sức mua giảm kéo dài.
Lúc này, rõ ràng thị trường đang cần những chính sách mang tính kích cầu để hỗ trợ cả người sản xuất lẫn người mua hàng, thông qua những chính sách thiết thực thật sự, song phải đúng với những đối tượng cần hỗ trợ.
KIM NGÂN