Có một câu chuyện cổ, đại ý như sau: bộ lạc nọ lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, vị tù trưởng trước tình thế cấp bách đã ra lệnh giết hết người già - là những người không còn sức làm việc, nhưng vẫn "ăn tốn cơm", làm giảm số lương thực ít ỏi của bộ lạc.
Có một câu chuyện cổ, đại ý như sau: bộ lạc nọ lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng, vị tù trưởng trước tình thế cấp bách đã ra lệnh giết hết người già - là những người không còn sức làm việc, nhưng vẫn "ăn tốn cơm", làm giảm số lương thực ít ỏi của bộ lạc. Cả bộ lạc phải làm theo lệnh. Riêng có một gia đình, người con vì quá thương cha nên đã đem ông đi giấu, lén lút chia sẻ phần ăn của mình cho cha. Một hôm, người cha bảo con: “Cỏ gà trắng quá, chắc trời sắp mưa to. Con về bảo mọi người chuyển lương thực lên khu vực cao để không bị hư hỏng”. Quả nhiên sau đó trời mưa rất to, nhưng nhờ có sự chuẩn bị nên lương thực không bị tổn thất. Khi được hỏi vì sao biết trước sẽ có mưa to, người con thật tình kể lại về kinh nghiệm đoán thời tiết của cha. Vị tù trưởng nghe xong, bảo: “Người già tuy không còn sức làm ra của cải, nhưng kinh nghiệm, hiểu biết của họ còn quý hơn của cải”, và hủy bỏ mệnh lệnh vô lý trước đó.
Câu chuyện xưa cho thấy vai trò, vị trí rất quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội, cộng đồng và gia đình. Hiện nay, ở địa phương nào trong tỉnh cũng xuất hiện những tấm gương điển hình của người cao tuổi sản xuất giỏi, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, đóng góp cho các hoạt động xã hội, sống mẫu mực, nêu gương sáng cho con cháu noi theo, trở thành lực lượng nòng cốt cho các phong trào địa phương, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Trong nhiều dòng tộc, các vị cao tuổi là những cây cao bóng cả hướng dẫn, dìu dắt con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng, truyền thống tương thân tương ái, hiếu học của gia đình, dòng họ...
Mới đây, ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Bí thư Đảng ủy xã đã ra “nghị quyết” vui: các cụ là cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử... không được chết! Bởi, Đảng ủy xã đang thực hiện việc biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương từ năm 1930 đến nay, mà chính các cụ, những người đã ngoại thất tuần, thậm chí có cụ đã 80, 90 tuổi, là những người đã góp phần làm nên lịch sử địa phương, hoặc là những nhân chứng sống cụ thể. Mỗi cụ ra đi, lịch sử sẽ mất đi một nguồn tư liệu quý không thể thay thế, bù đắp...
Xã hội ngày nay cũng rất trân trọng vai trò, vị trí của người cao tuổi. Nhiều cấp ủy Đảng đã biết tranh thủ kinh nghiệm của các cụ là cán bộ lão thành cách mạng qua vai trò tư vấn, giám sát cán bộ, đảng viên. Một số địa phương còn mời các cụ cao tuổi có uy tín, đức độ làm hòa giải viên, góp phần giữ tình làng nghĩa xóm. Và ngược lại, các hoạt động chăm sóc người cao tuổi cũng được quan tâm. Nhiều hoạt động “Toàn xã hội chăm sóc người cao tuổi” đã được triển khai ở khắp nơi, không chỉ chăm sóc mà còn tạo điều kiện giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, phát huy tốt vai trò trong cộng đồng, xã hội, như lời Bác Hồ đã dạy: “Tuổi cao nhưng chí không già. Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.
Thanh Thúy