Những ngày này tại khoa nhiễm của nhiều bệnh viện trong tỉnh, số bệnh nhân đến khám, điều trị gia tăng nhanh chóng.
Những ngày này tại khoa nhiễm của nhiều bệnh viện trong tỉnh, số bệnh nhân đến khám, điều trị gia tăng nhanh chóng. Theo các bác sĩ, thời tiết giao mùa chính là thời điểm thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh, như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm hô hấp phát triển. Dự báo, dịch bệnh có khả năng sẽ bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng cho hay nếu như trước kia, dịch bệnh thường phát triển theo mùa thì hiện nay, bệnh lưu hành quanh năm. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, nắng lắm mưa nhiều, dịch bệnh bùng phát và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là trẻ em. Đã có năm, Đồng Nai có hàng chục trường hợp trẻ em tử vong do sốt xuất huyết và tay chân miệng. Những cái chết đau lòng xảy ra do bệnh diễn tiến chuyển nặng đột ngột, không có thuốc điều trị đặc hiệu và một phần là sự chủ quan của chính người nhà bệnh nhân khi cho rằng, bệnh không có gì đáng lo ngại, tự mua thuốc uống tại nhà, cấp cứu chưa kịp thời...
Nhiều năm nay, Đồng Nai luôn là địa phương có số người mắc và tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cao ở khu vực phía Nam. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ngành y tế cho rằng Đồng Nai là địa bàn có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, tiếp giáp với các khu đô thị lớn, tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về việc phòng chống bệnh cũng rất đáng lo ngại. Chẳng hạn như trong chiến dịch ra quân phun xịt hóa chất diệt lăng quăng, có hộ dân không mở cửa để nhân viên y tế vào thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí, chính quyền không ít địa phương vẫn xem việc phòng chống dịch bệnh là của ngành y tế nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo dập dịch kịp thời.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp với số ca mắc gia tăng so với những tháng trước đó. Đặc biệt, theo dự báo của ngành y tế, đỉnh dịch lần hai trong năm của bệnh tay chân miệng sẽ rơi vào tháng 11 tới. Đây là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ trở nặng, điều trị khó khăn và nguy cơ tử vong cao. Có đến 90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng là dưới 3 tuổi được trông giữ trong gia đình và những nhóm trẻ tư nhân. Để phòng ngừa dịch bệnh, biện pháp quan trọng nhất là giữ gìn thân thể sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống tốt. “Mỗi người nếu biết chủ động phòng chống dịch bệnh, đơn giản như rửa tay bằng xà bông nhiều lần trong ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh” - bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng khuyến cáo.
Minh Ngọc