Lâu nay, trong các hoạt động hỗ trợ người nghèo, phần lớn doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường hay giúp đỡ cụ thể bằng vật chất, như: tiền, gạo, thực phẩm...
Lâu nay, trong các hoạt động hỗ trợ người nghèo, phần lớn doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường hay giúp đỡ cụ thể bằng vật chất, như: tiền, gạo, thực phẩm... Những tấm lòng san sẻ ấy rất quý báu, giúp người khó khăn kịp thời vượt qua cơn thắt ngặt. Vấn đề đặt ra là khi ăn hết thực phẩm, xài hết tiền thì người nghèo lại hoàn nghèo, vẫn phải tiếp tục nhờ vào sự giúp đỡ. Vì vậy, các hình thức hỗ trợ người nghèo ngày càng có xu hướng chuyển sang giúp "cần câu" hơn là "con cá". Bởi với cần câu, người nghèo có thể câu được “con cá”, tự lo cái ăn lâu dài, bền vững hơn.
Nhưng nếu cần câu đến nhằm lúc người nghèo đang trống bụng, thì không thể đợi đến lúc câu được cá. Có thể người ta sẽ bán ngay “cần câu” để giải quyết vấn đề trước mắt. Vậy thì giữa cần câu và con cá, nên giúp cái gì?
Với thực tế đa dạng của cuộc sống, sẽ không có đáp án nào duy nhất đúng. Người dân lâm cảnh nghèo thường do các nguyên nhân: trình độ học vấn thấp, thiếu việc làm, thiếu tài sản, thiếu đất đai, khó tiếp cận các dịch vụ tài chính, thiếu sự hướng dẫn sử dụng tài chính. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, muốn người nghèo thoát nghèo bền vững, cần phải xem xét điều kiện sống cụ thể, tìm ra nguyên nhân mới có giải pháp phù hợp.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác giảm nghèo, vì đây là một trong những chính sách thực hiện công bằng xã hội. Nhưng trong thực tế, một số chính sách giảm nghèo hiện nay thường được xây dựng theo kiểu “ấn” từ trên xuống, theo nhận định chủ quan của nhà quản lý mà không xuất phát từ ý nguyện của người thụ hưởng, từ đó dẫn đến nhiều bất cập.
Cấp cần câu mà thiếu “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, không phù hợp hoàn cảnh, vì vậy mới có những chuyện cười ra nước mắt, như: đem tiền vay vốn thoát nghèo mua xe máy, bán bò giảm nghèo vì gia đình không có người chăn nuôi, chăm sóc, người nghèo vùng sâu, vùng xa lại được dạy nghề trang điểm, cắm hoa, nấu ăn phục vụ... gia đình. Các cơ quan phụ trách công tác giảm nghèo xây dựng phương án cải thiện đời sống dựa trên khả năng thực tế của người nghèo - nói nôm na, là đưa cái người ta cần, chứ không phải cái mình có. Đồng thời, cần nhìn nhận người nghèo là những người đóng góp chứ không phải chỉ là người nhận. Chính những người làm chính sách phải thay đổi nhận thức trước, mới góp phần giúp người nghèo xóa bỏ tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, thì công tác giảm nghèo mới thật sự bền vững.
Thanh Thúy