Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn đó nỗi lo cháy chợ...

11:10, 02/10/2013

Những vụ cháy chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước thời gian qua đã thực sự trở thành nỗi lo không chỉ của các tiểu thương, mà còn của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, bởi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các vụ hỏa hoạn để lại.

Những vụ cháy chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước thời gian qua đã thực sự trở thành nỗi lo không chỉ của các tiểu thương, mà còn của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, bởi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các vụ hỏa hoạn để lại. Đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tài sản của mình, nhiều người không thể ngờ được, vốn liếng bao năm vất vả dành dụm bỗng chốc trở thành tro bụi…

Các cơ quan chức năng và tiểu thương ở Đồng Nai cũng không nằm ngoài nỗi lo đó. Không lo làm sao được, khi mà các nguy cơ tiềm ẩn phát sinh hỏa hoạn vẫn còn tồn tại ở nhiều khu chợ, trung tâm thương mại ở Đồng Nai.

Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 123 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó có 72 chợ kiên cố và 39 chợ tạm, 8 siêu thị, 4 trung tâm thương mại. Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra của Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, các chợ, trung tâm thương mại đã nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy của các tiểu thương, hộ kinh doanh. Người đứng đầu cơ sở, ban quản lý chợ đã quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số chợ do xây dựng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực thi hành và các chợ tạm, chợ tự phát, nên việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định gặp nhiều khó khăn. Một số chợ tự phát do dân tự xây dựng nên công tác phòng cháy, chữa cháy không được quan tâm, không có đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, không có hệ thống thiết bị chữa cháy, hoặc có nhưng chủ yếu trang bị bình chữa cháy xách tay. Ở các chợ, đặc biệt là các chợ cũ, tình trạng tiểu thương dùng lửa nấu ăn trong lòng chợ, đốt hương, vàng mã trong thờ cúng, câu móc điện tùy tiện để thắp sáng rất dễ gây ra các vụ hỏa hoạn do chập điện...

Cụ thể, khi kiểm tra 27 chợ ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, chỉ có 2 chợ Phương Lâm và Định Quán đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, số còn lại hệ thống phòng cháy, chữa cháy rất hạn chế. Đáng kể là ý thức chấp hành quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy của các tiểu thương chưa tốt. Khi kiểm tra chợ An Chu (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) và chợ Sặt (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phát hiện chợ trong tình trạng xuống cấp; câu móc dây điện thắp sáng lung tung dễ gây ra chập điện; một số bình chữa cháy không sử dụng được; bày biện hàng hóa bít gần hết lối đi, gần nơi phát sinh nguồn nhiệt... Ở những khu chợ chưa làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy như vậy, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chữa cháy tại chỗ sẽ khó cứu chữa hiệu quả, thiệt hại do hỏa hoạn gây ra sẽ khôn lường...

Để hạn chế hỏa hoạn xảy ra, đảm bảo an toàn hàng hóa, tài sản và tính mạng người dân ở các chợ và trung tâm thương mại, bên cạnh việc củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy…, ban quản lý các chợ và trung tâm thương mại phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những mối nguy cơ phát sinh cháy, đặc biệt là hệ thống điện phải đảm bảo an toàn; không được sắp xếp hàng hóa gần nguồn điện, nơi phát sinh nguồn nhiệt và các cửa ra vào lối thoát hiểm; không để tiểu thương thắp hương, đốt vàng mã trong các chợ, đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra để nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy ở các tiểu thương, hộ kinh doanh hơn nữa.

Phạm Mai

Tin xem nhiều