Báo Đồng Nai điện tử
En

Không còn ở ao làng...

08:10, 14/10/2013

Người trồng lúa Việt Nam sẽ không phải lo lắng nhiều vì từ nay đến hết năm 2015, chỉ riêng với Cộng hòa Guinea, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu đến 300 ngàn tấn gạo, dựa trên bản ký kết ghi nhớ của 2 Bộ trưởng ngành công thương của 2 nước vào đầu quý II năm nay.

Người trồng lúa Việt Nam sẽ không phải lo lắng nhiều vì từ nay đến hết năm 2015, chỉ riêng với Cộng hòa Guinea, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu đến 300 ngàn tấn gạo, dựa trên bản ký kết ghi nhớ của 2 Bộ trưởng ngành công thương của 2 nước vào đầu quý II năm nay.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết trong nửa đầu tháng 9-2013, châu Phi đã lần đầu tiên chiếm tới gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước, vượt qua thị trường châu Á. Người châu Phi ăn gạo Việt vì giá gạo Việt rẻ hơn gạo Thái Lan gần nửa giá, và lợi thế về giá đang được doanh nghiệp Việt Nam khai thác mạnh mẽ.

Nhưng, 9 tháng của năm 2013, Việt Nam cũng đã chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó vẫn chi hàng trăm triệu USD để nhập đậu nành, bắp, cà rốt, khoai tây, hành tỏi, trái cây..., những mặt hàng không có gì mới lạ về công nghệ hay kỹ thuật với nông dân trong nước.

Đây là thực tế của một nền nông nghiệp mở mà người nông dân phải nhanh chóng thích ứng. Họ không trồng lúa, trồng rau chỉ để bán tại chợ làng nữa, mà hạt gạo, nhành rau và những trái ngon, quả ngọt đã vượt ra khỏi biên giới đất nước, có mặt trong bữa ăn hàng ngày của những người châu Mỹ, châu Phi. Hay ngược lại, trên bàn ăn của người nông dân Việt, cũng không khó thấy củ khoai tây hay trái sầu riêng đến từ Thái Lan, Trung Quốc.

Cùng với sự chuyển biến nhanh chóng ấy, đời sống người nông dân cũng đã đổi thay rất nhiều. Không hiếm hoi gì cảnh nông dân đi xe hơi, ở biệt thự từ chính những thành quả nơi mảnh đất của mình. Sự thay đổi lớn lao đó cũng đòi hỏi một tư duy làm nông nghiệp khác, mới hơn, hiện đại hơn hàng ngàn lần so với thời “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, bởi, chỉ cần giá 1 kg cà phê ở thị trường New York giảm, hàng triệu nông dân Việt đã bị ảnh hưởng.

Có lẽ, chưa bao giờ người dân Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đến thế, và cũng nhiều thách thức đến thế. Có nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm, nhưng phải thừa nhận, họ đang yếu thế trên “đường đua” về công nghệ, kỹ thuật trong nông nghiệp; yếu cả về thông tin giá cả, xu hướng, dự báo... về thị trường nông sản quốc tế - những điều mà chỉ có chính sách mới “gỡ” nổi giúp nông dân. Và trước mắt, chỉ chưa đầy 1 năm nữa, nông dân Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một thị trường nông sản mở cửa hoàn toàn với thuế suất 0% từ những quốc gia có nền nông nghiệp rất phát triển, như: Australia, Chile, Canada... khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký.

Hội Nông dân Việt Nam - tổ chức lớn nhất đại diện cho hàng chục triệu nông dân Việt đã đồng hành với nông dân hơn 80 năm. Hơn ai hết, trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt trên chính ruộng đồng của mình, nông dân cần Hội, cần tiếng nói, cần thông tin và định hướng từ Hội, để có thể thích ứng nhanh hơn với sự thay đổi của thời cuộc, khi rau trái vườn nhà không còn dành để bán ở chợ quê.          

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều