Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi ám ảnh “mặt bằng”

11:10, 06/10/2013

Cho đến giờ phút này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tỏ ra mất kiên nhẫn trước sự chậm chạp của dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch sau nhiều lần trì hoãn thời gian bàn giao mặt bằng.

Cho đến giờ phút này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tỏ ra mất kiên nhẫn trước sự chậm chạp của dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch sau nhiều lần trì hoãn thời gian bàn giao mặt bằng. Phía chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên xây dựng cấp nước Đồng Nai cũng như ngồi trên đống lửa, bởi “hò hẹn” quá nhiều lần mà đến giờ, khi thời điểm cam kết đưa công trình đi vào hoạt động đã sát nút, vẫn còn 1,3km đường ống từ cầu Bà Ký (giáp ranh với huyện Long Thành) đến khu vực tường rào Công ty Formosa thuộc xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) vẫn chưa thu hồi được mặt bằng giao cho chủ đầu tư để thi công.

Sự nóng ruột của nhà đầu tư có lẽ đã lên đến đỉnh điểm, khi chi phí cho phần giải phóng mặt bằng dự kiến ban đầu chỉ 66 tỷ đồng, nay đã lên đến 282 tỷ đồng, một con số chênh lệch quá lớn, quá lãng phí, và chẳng làm lợi cho ai. Ngoài ra, những khoản tiền phát sinh do chậm tiến độ là rất lớn, như: phải gia hạn hợp đồng với đơn vị giám sát, trả thêm tiền cho nhà thầu, chi phí thi công tăng giá theo thời gian... Chưa kể, nếu như dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì Nhà nước sẽ không thất thu một khoản tiền lớn khi nhà máy khai thác đúng công suất. Đơn cử, với giá nước thấp nhất hiện nay là 3.600 đồng/m3 thì chậm một ngày sẽ mất đứt 360 triệu đồng (công suất dự án là 100 ngàn m3/ngày).

JICA đã lên tiếng “dọa” rằng, nếu lần này tỉnh Đồng Nai không giải quyết được, thì dù dự án đã giải ngân 1.320 tỷ đồng, tương đương 78% lượng vốn ODA đã cam kết tài trợ, phía Nhật Bản cũng sẽ cho ngưng.

Câu chuyện của Nhà máy nước Nhơn Trạch không phải là cá biệt tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác. Cũng khó trách các địa phương, như: Biên Hòa, Nhơn Trạch khi bàn giao mặt bằng quá chậm, gây khó cho dự án, bởi họ còn hàng loạt các dự án khác phải lo giải tỏa, cũng phức tạp và dai dẳng không kém. Nhu cầu phát triển hạ tầng bức thiết khiến các dự án hình thành liên tục, nhu cầu vốn - nhân lực dành riêng cho công tác giải tỏa mặt bằng tăng theo cấp số nhân. Nhiều dự án lớn, như: đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường tránh Biên Hòa, cầu Đồng Nai mới... cũng đều chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng quá phức tạp, bởi hầu hết địa bàn mà các dự án đi qua đều là các địa phương mà dân cư đã ở ổn định, không dễ dàng “bứng” đi nơi khác, dù là để phục vụ những dự án dân sinh.

Trong khi đó, giá đất đền bù lại luôn luôn nằm dưới sự kỳ vọng của những người dân trong diện giải tỏa. Do đó, để thuyết phục họ là điều không dễ chút nào. Bài toán “trúc trắc” này nhiều năm qua luôn là nỗi ám ảnh của các địa phương, đến nỗi có vị lãnh đạo của một địa phương từng than: “Nghe có dự án qua địa bàn, chưa kịp mừng đã thấy nỗi lo giải phóng mặt bằng to tướng!”

Kim Ngân

           

 

 

 

 

Tin xem nhiều