Báo Đồng Nai điện tử
En

Rừng không thể tự nhiên biến mất

11:10, 28/10/2013

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ che phủ cây xanh đến năm 2015 đạt 56% và năm 2020 đạt 52%; phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ rừng là 29,76%.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã xác định, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ che phủ cây xanh đến năm 2015 đạt 56% và năm 2020 đạt 52%; phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ rừng là 29,76%. Chính vì vậy, việc giữ rừng, quản lý bảo vệ đất rừng là nhiệm vụ khá nặng nề.

Với nhu cầu phát triển phù hợp với thực tiễn của địa phương, một phường có hàng trăm hécta rừng trồng như Long Bình
(TP.Biên Hòa) được điều chỉnh giảm diện tích rừng để phát triển công nghiệp là hợp lý. Số rừng trồng còn lại theo quy hoạch chỉ còn chưa đến 10 hécta. Thế nhưng, số diện tích ấy từng ngày bị “gặm nhấm” không thương tiếc, và cho đến nay thì bị xóa sạch.  Một cán bộ trong ngành kiểm lâm chứng kiến rừng ở phường Long Bình bị xóa sổ, đã phải xót xa thốt lên: “Rừng không thể tự nhiên biến mất, mà nguyên nhân chủ yếu do con người tác động đến. Cơ quan chức năng và địa phương đã không cương quyết xử lý ngay từ đầu, đồng thời thiếu biện pháp ngăn chặn hiệu quả”.

Người ta có thể đưa ra hàng loạt lý do để nói về việc mất rừng, chẳng hạn: do địa bàn rộng và thiếu nhân lực dẫn đến chỗ không quản lý nổi; vì đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thuộc thành phần côn đồ hung hãn và có hành vi chống người thi hành công vụ nên khó giải quyết dứt điểm... Chuyện rừng ở Long Bình bị mất sạch trong thời gian vài năm là một lẽ, nhưng còn chuyện mất đất rừng thì sao? Từ một  khu vực đi đâu cũng thấy rừng, giờ trở thành địa phương đi đâu cũng thấy nhà xây trái phép là một hiện tượng không bình thường. Không bình thường ở chỗ, vấn đề lấn chiếm đất rừng, mua bán sang tay rồi xây nhà, xưởng diễn ra công khai, thậm chí thực hiện một cách ồ ạt nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý đến nơi đến chốn. Không ít trường hợp vi phạm liên quan đến đất rừng ở phường Long Bình đã được lên kế hoạch giải tỏa, cưỡng chế nhưng sau đó rơi vào im ắng rất khó hiểu. 

Có thể nói, xuất phát từ sự nương tay trong thời gian dài của chính quyền địa phương trước những vi phạm đã dẫn đến hệ lụy khó lường cần phải được thẳng thắn nhìn nhận. Cái “giá” ở đây chính là mất rừng, mất đất rừng và tình trạng nhà tự phát mọc nhan nhản trên đất rừng không thể kiểm soát hết. Việc “làm trọc rừng xanh”, tiếp đến lấn chiếm đất rừng rồi xây dựng không phép ở phường Long Bình để lại hậu quả không dễ giải quyết. Làm thế nào để khắc phục, nhanh chóng trả lại toàn bộ diện tích đất rừng khi có hàng trăm nhà ở, xưởng sản xuất xây kiên cố trên đó?

Tạ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều