Có giám đốc doanh nghiệp ở Đồng Nai cho rằng, mong muốn nhất của doanh nhân thời điểm hiện tại, chỉ là cố gắng chèo chống doanh nghiệp qua bớt khó khăn, trước hết là phải tồn tại, chưa nghĩ đến điều gì cao xa hơn.
Có giám đốc doanh nghiệp ở Đồng Nai cho rằng, mong muốn nhất của doanh nhân thời điểm hiện tại, chỉ là cố gắng chèo chống doanh nghiệp qua bớt khó khăn, trước hết là phải tồn tại, chưa nghĩ đến điều gì cao xa hơn. Nhưng cũng có vị khẳng định, khó khăn khủng hoảng chính là cơ hội vượt lên, khi nhiều doanh nghiệp khác co cụm và thu nhỏ quy mô làm ăn.
Thời gian vừa qua có lẽ là những năm sóng gió nhất trong sự nghiệp của nhiều doanh nhân, đi kèm với buổi xế chiều của phong trào “làm giàu không khó” từ chứng khoán đến bất động sản. Chứng kiến nhiều doanh nghiệp chao đảo, tròng trành, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra ở nhiều ngành: ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm, vận tải..., có người ngậm ngùi, nhưng cũng có người cứng cỏi cho rằng, đây chính là những “gian nan thử sức” cho đội ngũ doanh nhân vốn còn non trẻ của Việt Nam.
Thời gian qua cũng là giai đoạn mà nhiều doanh nghiệp Việt vươn lên trở thành những tên tuổi lớn, với doanh số lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ USD, như: Viettel, Vinamilk hay Dệt Phong Phú... và nhiều tỷ phú Việt lên ngôi, như: Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Mai Kiều Liên (Vinamilk), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang)...
Mỗi người mỗi cách, số phận của từng doanh nghiệp cũng khác nhau, có khi lụi tàn, có khi chấp nhận sáp nhập, có khi nắm được cơ hội giữa khó khăn và vươn lên mạnh mẽ hơn. Nhưng, cuộc khủng hoảng thật sự đã cho nhiều người hiểu rằng, làm giàu không hề dễ.
Vậy, tương lai gần của doanh nghiệp Việt là gì? Nhiều người cho rằng, đó chính là việc Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt các sân chơi lớn, sau WTO sẽ đến TPP, với luật chơi ngày càng sòng phẳng hơn. Và đây cũng sẽ là cuộc sàng lọc lớn. Ai cũng nhìn thấy ở đó những cơ hội, khi hàng Việt có cơ hội được đi khắp nơi với những ưu đãi mạnh nhất. Nhưng nhiều người cũng nhìn thấy những thách đố, khi trên chính thị trường non trẻ trong nước, hàng hóa của những quốc gia dạn dày kinh nghiệm, như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... sẽ xuất hiện với mức thuế 0%.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - người đã theo sát những thương hiệu Việt trong chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm - có lần nói, không có chiếc đũa thần nào cho doanh nghiệp Việt Nam cả, bởi thị trường sẽ quyết định ai thắng, ai thua. Hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nhân là chủ trương và việc làm thường xuyên của Nhà nước. Song, doanh nhân mới chính là những người quyết định số phận của mình. Không ai dám đưa ra một lời giải nào chính xác cho hàng trăm ngàn bài toán vật lộn với khó khăn, thử thách của doanh nhân.
Xã hội tôn vinh doanh nhân, nhưng đồng thời, xã hội cũng đặt lên vai doanh nhân những trọng trách lớn lao, trong đó quan trọng nhất là tạo ra thật nhiều giá trị, thật nhiều những thương hiệu hàng hóa, dịch vụ tốt từ một quốc gia có nền kinh tế thị trường còn non trẻ. Nhiều sự đổi thay của đất nước đang phụ thuộc vào “sức khỏe” của giới doanh nhân. Phát triển hạ tầng, xuất khẩu, phát triển giáo dục, y tế, an sinh xã hội... hiện tại cũng phải dựa rất nhiều vào lực lượng này, bất kể là doanh nhân của những doanh nghiệp quốc doanh hay tư nhân.
Kim Ngân