Báo Đồng Nai điện tử
En

Trị "bệnh" cho công chức

11:10, 07/10/2013

Có một điều mà người dân thường nhìn thấy, đó là sáng thứ hai hàng tuần, sau giờ chào cờ là các quán ăn gần các cơ quan, công sở có nhiều công chức, buổi ăn sáng đầu tuần này có thể nhẩn nha kéo đến tận 8 giờ.

Có một điều mà người dân thường nhìn thấy, đó là sáng thứ hai hàng tuần, sau giờ chào cờ là các quán ăn gần các cơ quan, công sở có nhiều công chức, buổi ăn sáng đầu tuần này có thể nhẩn nha kéo đến tận 8 giờ. Vì thế những người có kinh nghiệm thường đợi sau "giờ vàng" mới đến liên hệ cho chắc ăn, không phải chờ dài cổ. Còn ngày thường, ngay trong giờ hành chính vào một số quán cà phê quen, bất cứ lúc nào cũng thấy có "dân đeo thẻ" nhàn rỗi ngồi tán gẫu.

Lâu nay, tình trạng công chức đi trễ về sớm, “ăn cắp” giờ làm việc, ứng xử thiếu thiện cảm, thậm chí hoạnh họe, cửa quyền với dân đã trở thành “bệnh khó trị”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng lên tiếng có đến 30% công chức không làm được việc. Căn bệnh này không chỉ “hành” người dân mỗi khi có việc đến các cơ quan công quyền, gây lãng phí ngân sách Nhà nước trong chi trả lương, mà nguy hiểm hơn, dần dần khiến người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với bộ máy công quyền thông qua hình ảnh các công bộc của dân. Chính vì vậy, trong những mục tiêu của học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như trong nội dung của Nghị quyết Trung ương 4, cải cách hành chính - trong đó có thái độ phục vụ nhân dân của công chức, là một trong những vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu, cần phải nghiêm túc sửa chữa, chỉnh đốn.

Điểm ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa là xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Theo nguyên tắc đó, bộ máy chính quyền được hình thành không phải để cai trị, mà nhằm phục vụ nhân dân. Bác Hồ từng nhắc nhở: “Cán bộ là công bộc của dân”. Nhưng trong thực tế, nhận thức của các công chức hiện nay về vấn đề này rất mờ nhạt. Về thực chất, tiền lương của công chức được chi từ nguồn ngân sách, mà phần lớn ngân sách có được là từ tiền đóng thuế của người dân. Bao giờ công chức ý thức được rằng đồng lương của mình đến từ chính bà cụ quê mùa đang rón rén bỏ dép bên ngoài, rụt rè bước vào phòng làm việc, thì khi đó thái độ ứng xử hẳn sẽ thay đổi, có sự kính trọng, nhiệt tình và trách nhiệm hơn.

Giải pháp đưa ra tuy “cũ rích”, nhưng lại luôn đúng trong mọi trường hợp, đó là cần tăng cường nhận thức của cán bộ, công chức. Không ai khác hơn, chính người đứng đầu cơ quan công quyền các cấp, nhất là tại các cơ sở - nơi thường tiếp xúc trực tiếp với người dân, phải có quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ. Song song đó, cần phải mạnh tay loại bỏ những “con sâu” để bộ máy ngày càng trong sạch, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Tịnh Hà

Tin xem nhiều