Cách đây mấy chục năm, trong thời kỳ bao cấp khó khăn, nhiều gia đình ở TP.Biên Hòa đã chọn cách chăn nuôi heo để cải thiện đời sống. Người ta tận dụng nhà vệ sinh, góc sân, hồ cá, thậm chí ngăn cả nhà ra để chăn nuôi, chấp nhận người sống chung với heo vì miếng cơm manh áo.
Cách đây mấy chục năm, trong thời kỳ bao cấp khó khăn, nhiều gia đình ở TP.Biên Hòa đã chọn cách chăn nuôi heo để cải thiện đời sống. Người ta tận dụng nhà vệ sinh, góc sân, hồ cá, thậm chí ngăn cả nhà ra để chăn nuôi, chấp nhận người sống chung với heo vì miếng cơm manh áo. Chăn nuôi heo có lúc đã trở thành phong trào, người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo. Không thể phủ nhận, chăn nuôi heo ở hộ gia đình đã góp phần giúp người dân đô thị vượt qua khó khăn.
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống ngày càng khá lên, người dân bắt đầu quan tâm đến chất lượng môi trường sống. Việc chăn nuôi heo trong khu dân cư ngày càng trở nên bất tiện. Lợi ích của người chăn nuôi ngày càng mâu thuẫn với nhu cầu chất lượng sống của người dân. Một thành phố đô thị loại II mà người dân phải “chung sống” với mùi hôi thối từ các trại heo quả là điều không thể chấp nhận được. Năm 2007, UBND TP.Biên Hòa đã có quyết định ngưng chăn nuôi gia súc trên địa bàn, theo lộ trình đến năm 2008 phải chấm dứt việc chăn nuôi tại tất cả các phường, xã.
Nhưng trên thực tế, quyết định này vẫn chưa thể thực hiện triệt để. Bởi những hộ gia đình chăn nuôi heo ở TP.Biên Hòa hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, không có điều kiện di dời về khu khuyến khích chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, cũng không thể chuyển sang nghề khác nếu không chăn nuôi nữa. Nếu chính quyền “mạnh tay”, có nguy cơ một số hộ phải lâm vào cảnh khó khăn, chính vì thế mà việc chấm dứt chăn nuôi heo trong khu dân cư cứ kéo dài, dây dưa từ năm này sang năm khác trong sự bức xúc của người dân.
Trong buổi làm việc với Đảng bộ TP.Biên Hòa sau đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành từng đặt câu hỏi: “Cấm thì đúng rồi, nhưng sau đó người chăn nuôi đi đâu, về đâu, làm gì để sống?”. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để đảm bảo môi trường sống của người dân thì việc chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư là điều phải thực hiện một cách triệt để, nhưng chính quyền cũng cần có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, như: cho vay vốn để di dời, chuyển đổi nghề… Và việc chấm dứt chăn nuôi cần có lộ trình được xây dựng hợp lý trên cơ sở đảm bảo hài hòa đời sống, quyền và lợi ích của người dân lẫn người chăn nuôi.
Mới đây, huyện Long Thành có chủ trương xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi với diện tích 156 hécta tại 3 ấp 7, 8 và Suối Cả (xã Bàu Cạn). Các trang trại, hộ chăn nuôi heo nếu di dời về khu chăn nuôi theo quy hoạch sẽ được hỗ trợ vay vốn cùng một số hỗ trợ khác, vì thế nhiều nông dân đã đồng tình, ủng hộ chủ trương này. Điều này cho thấy, người chăn nuôi cũng không vui vẻ gì khi lợi ích của mình mâu thuẫn với cộng đồng, chỉ cần có chính sách hợp tình hợp lý là họ sẽ chấp hành. Một chính quyền không áp đặt những mệnh lệnh hành chính từ trên xuống, mà biết quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân là một chính quyền nhân văn, tất được người dân ủng hộ.
Thanh Thúy