Một trong những sự kiện nóng bỏng được người dân quan tâm gần đây là Việt Nam cùng với 13 nước khác được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Một trong những sự kiện nóng bỏng được người dân quan tâm gần đây là Việt Nam cùng với 13 nước khác được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Đây là cột mốc khẳng định những thành tựu về nhân quyền của nước ta đã được thế giới công nhận. Việt Nam được cất tiếng nói thực hiện bảo vệ nhân quyền cũng như củng cố, hoàn thiện hơn nữa các cơ sở pháp lý về thực thi quyền con người. Đó cũng là bằng chứng cho thấy sự tích cực chủ động của Việt Nam muốn tham gia đóng góp hơn vào các hoạt động của quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Số phiếu rất cao ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (184/192) thể hiện vị trí, uy tín của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.
Lần lại lịch sử, ngay trong thời điểm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa giành được độc lập từ tay thực dân Pháp, chính quyền hãy còn sơ khai nhưng mở đầu Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nói tóm tắt, đó chính là nhân quyền. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của đất nước non trẻ đã dành ra một chương (từ Điều 6 đến Điều 16) quy định rõ, chặt chẽ về các quyền của con người. Các Cương lĩnh 1991 và 2011 đều khẳng định: chế độ ta là của dân, do dân và vì dân. Việt Nam cũng gia nhập các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Tuy nhiên, nhân quyền không phải là một thành tố độc lập, riêng rẽ mà phải luôn gắn với giá trị văn hóa con người. Theo văn hóa Việt Nam, quyền của cá nhân phải gắn với gia đình, cộng đồng, dân tộc. Không thể có thứ quan điểm về dân chủ, nhân quyền nào lại có thể vượt lên lợi ích của dân tộc, cộng đồng, xã hội, đứng trên cả luật pháp, đi trái với đạo lý con người. Lâu nay, các thế lực thù địch luôn lợi dụng điều này để tung ra những luận điểm sai trái cho rằng Việt Nam không có nhân quyền, thực ra đó chỉ là “chiêu trò” hòng tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh Việt Nam luôn quan tâm thực hiện quyền con người, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa và tập quán truyền thống của người Việt Nam.
Không phủ nhận rằng, thời gian qua trong xã hội hãy còn tồn tại nhiều nhược điểm trong thực thi quyền con người, mà vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa qua là một điển hình. Nhưng Đảng và Nhà nước đã luôn cầu thị, tìm cách khắc phục hạn chế trên cơ sở bổ sung, sửa đổi pháp luật ngày một phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Trong đó, nền tảng cao nhất để đảm bảo nhân quyền là sửa đổi Hiến pháp 1992 dựa trên ý kiến đóng góp của toàn dân. Những ngày này, các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho nhân dân, đã bàn bạc, đóng góp ý kiến sôi nổi và đầy trách nhiệm để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cùng nhiều bộ luật quan trọng, đã khẳng định rằng đảm bảo nhân quyền chính là bản chất và mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Thanh Thúy