Báo Đồng Nai điện tử
En

Di sản văn hóa và phát triển

11:11, 24/11/2013

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng tôn giáo và đa sắc thái văn hóa. Di sản văn hóa của Việt Nam đa dạng, phong phú, trong đó có những loại hình di sản được vinh danh, mang tầm vóc thế giới.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng tôn giáo và đa sắc thái văn hóa. Di sản văn hóa của Việt Nam đa dạng, phong phú, trong đó có những loại hình di sản được vinh danh, mang tầm vóc thế giới. Đó vừa là niềm tự hào chính đáng, vừa là trách nhiệm của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy chúng. 

Một thời gian, chúng ta chỉ quan tâm di sản văn hóa ở một góc độ bảo tồn, chưa khai thác để phát triển, đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội. Do điều kiện của lịch sử, trong quá khứ, nước ta phần lớn chỉ khai thác di sản văn hóa ở các giá trị lịch sử và truyền thống yêu nước của ngàn năm văn hiến để giáo dục, động viên, khích lệ toàn dân tộc vào công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, mà chưa có sự khai thác để phục vụ kinh tế.

Xu thế toàn cầu hóa trở thành một lợi thế để các quốc gia tận dụng cơ hội và đẩy mạnh khai thác di sản văn hóa một cách chủ động, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập, Việt Nam đã có những biến chuyển tích cực trong bảo tồn, đặc biệt phát huy di sản văn hóa. Thế nhưng, chúng ta không khỏi giật mình trước sự khai thác quá mức đã tác động đến ảnh hưởng di sản văn hóa. Đã xảy ra tình trạng xâm phạm di tích một cách thô bạo để xây dựng các cơ sở kinh doanh, hành nghề mê tín dị đoan, buôn bán thần thánh, lừa đảo... ở cơ sở tín ngưỡng, làm cho lễ hội không còn giữ được bản chất, ý nghĩa thật sự... Đành rằng, khai thác các loại hình di sản văn hóa để đem lại nguồn lợi kinh tế là cần thiết, nhưng chỉ nhắm vào nguồn lợi trước mắt mà không hề quan tâm đến hệ lụy của những việc khai thác dẫn đến việc hủy hoại di tích, môi trường di tích, ảnh hưởng đến lối ứng xử văn hóa, tạo nên những lệch chuẩn trong giá trị đạo đức thì hậu quả khôn lường cho chính con người. Những đánh đổi như thế có nên chăng? Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý nhà nước về di sản văn hóa?

Tổ chức Giáo dục -  khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã từng cảnh báo: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà không tính đến môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế và văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc cũng sẽ bị suy giảm đi rất nhiều”. Vì vậy, để khai thác di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, chúng ta cần thận trọng, cần đảm bảo sự hài hòa trong công tác bảo tồn, phát huy với  chính sách phát triển một cách hợp lý. Lợi ích từ khai thác di sản nói chung, các loại hình di sản văn hóa nói riêng trong phát triển cần đem lại lợi ích thiết thực, chính đáng ngay cho chính di sản, cộng đồng chủ thể của di sản đó.

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều