Báo Đồng Nai điện tử
En

"Gánh nặng" đất đai

11:11, 06/11/2013

Một trong những ý kiến được chú ý nhất trong phiên thảo luận ngày 6-11 về dự thảo luật Đất đai là của đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho rằng, dự luật cần tách biệt các trường hợp thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thành 2 loại: loại 1 là tạo quỹ đất thực hiện các chính sách xã hội vì lợi ích công cộng, quốc gia; loại 2 là tạo quỹ đất vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, trên cơ sở đó cần có các chính sách phù hợp.

Một trong những ý kiến được chú ý nhất trong phiên thảo luận ngày 6-11 về dự thảo luật Đất đai là của đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho rằng, dự luật cần tách biệt các trường hợp thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thành 2 loại: loại 1 là tạo quỹ đất thực hiện các chính sách xã hội vì lợi ích công cộng, quốc gia; loại 2 là tạo quỹ đất vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, trên cơ sở đó cần có các chính sách phù hợp.

Đáng chú ý, là bởi ý kiến đã chạm đến vấn đề nóng nhất của dự luật: thu hồi đất. Hơn 7 triệu ý kiến về dự thảo luật này được đưa ra trong thời gian qua, phần lớn đều tập trung vào những đóng góp nhằm giải quyết quyền lợi giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền khi thu hồi đất.

Có lẽ, ít có dự án luật sửa đổi nào “nóng” như Luật Đất đai sửa đổi, chỉ sau Hiến pháp. Dự thảo luật này đã được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) và theo kế hoạch, lẽ ra đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 17-6-2013, dự luật nhận được nhiều ý kiến trái chiều, do đó dời lại sang kỳ họp lần này.

Điều người dân quan tâm nhất, trong hàng loạt những vấn đề dự luật mới đưa ra, vẫn là giải quyết quyền lợi ra sao để hài hòa giữa các bên trong vấn đề thu hồi đất. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước (Điều 62). Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Và nội dung này cũng được quy định cụ thể tại dự án luật. Trong phiên thảo luận 6-11, ý kiến của nhiều đại biểu cũng xoay quanh việc làm rõ khái niệm và nội dung này.

Ở góc độ địa phương, dự thảo luật cũng quy định các cấp thẩm quyền cụ thể, việc nào cần có chủ trương của Quốc hội thì phải đưa ra Quốc hội, của Chính phủ thì theo thẩm quyền Chính phủ. Đối với cấp tỉnh thì phải thông qua HĐND, chứ không phải UBND có thể quyết định thu hồi được ngay, nghĩa là muốn thu hồi đất ở đâu thì phải trình HĐND thông qua, để tránh tùy tiện trong thu hồi đất.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Trong đó, khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm khoảng 70% - con số không hề nhỏ - một trong những nguyên nhân chính khiến Luật Đất đai phải sửa.

Còn quá nhiều mong đợi của người dân với dự luật này, như: giá đất, quy định cụ thể về thỏa thuận, bồi thường, trách nhiệm người phê duyệt dự án... Những điều này đặt lên vai các ĐBQH một gánh nặng: quyết hay không quyết định bấm nút thông qua dự luật này trong ngày 29-11 tới.

Kim Ngân

Tin xem nhiều