Trong chương trình "Khát vọng hoàn lương" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp với lãnh đạo Trại giam Huy Khiêm tổ chức vào tháng 7-2013, khi chia sẻ với 200 phạm nhân, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã phân tích: chữ "tù" trong tiếng Hán là chữ "nhân" (người) nằm trong một khung hình vuông, mang ý nghĩa tù là người bị hạn chế.
Trong chương trình "Khát vọng hoàn lương" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp với lãnh đạo Trại giam Huy Khiêm tổ chức vào tháng 7-2013, khi chia sẻ với 200 phạm nhân, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã phân tích: chữ "tù" trong tiếng Hán là chữ "nhân" (người) nằm trong một khung hình vuông, mang ý nghĩa tù là người bị hạn chế. Nhưng dù tạm thời bị cách ly khỏi cuộc sống, hạn chế một số quyền, thì cốt lõi bên trong chữ tù ấy vẫn là chữ nhân, người tù vẫn là con người. Và một trong những đặc tính của con người, đó là sự vươn lên hướng đến điều thiện lương, là hy vọng, là niềm tin vào cuộc sống. “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, ông Tới kết luận bằng câu ca dao rất hay của dân tộc.
Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an) vừa qua cũng đã phát động cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” trong các phạm nhân đang thi hành án và học viên các trường giáo dưỡng. Đây là dịp để phạm nhân, học viên có những phút lắng lòng, tự nhìn lại lỗi lầm của mình, không chỉ bày tỏ sự hối hận bằng cách nói lời xin lỗi đến gia đình mình, gia đình người bị hại hoặc chính người bị hại, mà còn là cách để họ tự cảnh tỉnh, không đi vào vết xe đổ khi tái hòa nhập với cộng đồng xã hội. Trước trang giấy trắng, tự kiểm điểm lại quãng đời đã qua, nhiều phạm nhân, học viên đã bày tỏ lòng chân thành, sự hối lỗi rất sâu sắc.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống khoan dung, nhân ái. Ông cha ta có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Bác Hồ cũng từng nói “Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa những sai lầm và khuyết điểm”. Với những người biết nhận ra sai lầm, hướng về nẻo thiện, Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội luôn có sự quan tâm, sẵn lòng tạo mọi điều kiện để họ hoàn lương. Vấn đề còn lại là ý thức, ý chí, quyết tâm sửa chữa của mỗi người. Hành động thường khó hơn lời nói, đòi hỏi phải có những biểu hiện cụ thể, diễn ra trong thời gian dài và thuyết phục được mọi người, nhưng nếu quyết tâm và với sự chân thành, chắc chắn ai cũng có thể làm được. Và xin hãy tin rằng “Hy vọng thường chẳng bỏ rơi ta, chỉ có ta bỏ rơi hy vọng” (George Weinberg).
Thanh Thúy