Lớp học chỉ có một thầy và 3 trò. Nhiều phòng học được xây dựng khang trang, hiện đại vắng bóng người học. Ký túc xá phục vụ cho 200 người nhưng chỉ có 20 học viên đăng ký ở. Không ít nghề từng rất “hot”, như: gốm, may mặc, tin học... thưa thớt người học.
Lớp học chỉ có một thầy và 3 trò. Nhiều phòng học được xây dựng khang trang, hiện đại vắng bóng người học. Ký túc xá phục vụ cho 200 người nhưng chỉ có 20 học viên đăng ký ở. Không ít nghề từng rất “hot”, như: gốm, may mặc, tin học... thưa thớt người học. Có trường vì thu không đủ chi đã ngậm ngùi đóng cửa hoặc tìm hướng đào tạo khác để tồn tại. Đó là thực trạng buồn mà hầu hết các trường dạy nghề của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đang gặp phải.
Trưởng khoa một ngành nghề nổi tiếng của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai tâm sự đầy nuối tiếc rằng thời hoàng kim, mỗi năm khoa có hàng trăm sinh viên theo học. Vậy mà giờ đây, dù đã ghép hai ngành lại với nhau vẫn không tuyển nổi một sinh viên! Còn hiệu trưởng một trường nghề bùi ngùi cho biết không tuyển đủ chỉ tiêu, không có nguồn thu, giáo viên giỏi lần lượt bỏ trường, người ở lại đành chuyển qua giảng dạy các ngành nghề khác không đúng với chuyên môn. Tình trạng này khiến người dạy thì thiếu tâm huyết, còn người học kém hào hứng và tất yếu dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế.
Trong khi trường nghề không tuyển đủ học viên, loay hoay để tồn tại thì hàng ngàn doanh nghiệp của Đồng Nai lại rơi vào tình trạng thiếu số lượng lớn lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Ngay cả một số học viên tốt nghiệp ra trường ở những trường dạy nghề có uy tín cũng không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp. Vì vậy, khi tuyển lao động phần lớn doanh nghiệp đều phải mất thêm thời gian lẫn tiền bạc để đào tạo lại. Giám đốc nhân sự ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, doanh nghiệp thà tuyển người chưa biết gì vào đào tạo từ đầu còn hơn tuyển lao động đã qua đào tạo nhưng lại thiếu kiến thức thực tế, không làm được việc. Nghịch lý này một lần nữa đòi hỏi các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải đẩy mạnh sự liên kết hơn nữa để hạn chế tình trạng trường đào tạo cái mình có, chứ không phải cái mà doanh nghiệp đang cần.
Trường nghề đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, mà trước mắt là việc siết chặt cơ chế tuyển sinh ở các đơn vị không có chức năng đào tạo nghề và liên kết đào tạo. Song, quan trọng hơn, trường nghề phải tự đổi mới để cứu mình trước khi phải đóng cửa vì không thể thu hút được học viên.
Minh Ngọc