Qua 17 năm triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", hơn 90% ấp, khu phố ở Đồng Nai đã được công nhận danh hiệu văn hóa. Hàng trăm căn nhà tình thương, hàng ngàn cây số đường giao thông nông thôn được xây dựng từ sự đóng góp, chia sẻ đầy trách nhiệm của bà con từ mỗi xóm thôn, góc phố.
Qua 17 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hơn 90% ấp, khu phố ở Đồng Nai đã được công nhận danh hiệu văn hóa. Hàng trăm căn nhà tình thương, hàng ngàn cây số đường giao thông nông thôn được xây dựng từ sự đóng góp, chia sẻ đầy trách nhiệm của bà con từ mỗi xóm thôn, góc phố. Nhiều khu dân cư không còn nhà tạm, nhà dột nát, đường đất, nhiều ấp, khu phố không còn tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, không còn tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, không có tội phạm nghiêm trọng. Những hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ được sống trong tình thương, sự đùm bọc của cộng đồng…
Những con số thống kê đã phản ánh một thực tế: Những năm qua, cán bộ Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của cộng đồng dân cư.
Bên cạnh những việc làm có tên như phát động các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Ngày vì người nghèo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp tổ chức các buổi phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)... cán bộ Mặt trận ở cơ sở còn phải làm nhiều việc không tên và không thể thống kê trong quá trình lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là ở những địa bàn có nhiều biến động do quy hoạch, di dời, nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Điều đáng nói, phần lớn những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở là những cán bộ nghỉ hưu, sức khỏe hạn chế nhưng đó là những cán bộ có uy tín, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Khó có thể kể ra hết những công việc của người làm công tác Mặt trận ở khu dân cư, bởi công tác này vô cùng đa dạng và không hoàn toàn theo các quy chuẩn hành chính thông thường. Trưởng ban công tác Mặt trận thường kiêm nhiệm nhiều chức danh khác ở địa phương như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận, tổ trưởng tổ hòa giải, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhiều tổ chức, khối lượng công việc nhiều.
Cán bộ Mặt trận ở khu dân cư được ví là người vác tù và hàng tổng, bởi thu nhập từ thù lao công việc quá thấp. Và dù có trách nhiệm cao đến đâu, một bộ phận làm công tác này cũng khó có thể dành toàn tâm, toàn thời gian cho công việc mà phải lo lao động, sản xuất, công việc gia đình. Triển khai các phong trào đã khó, nói gì đến việc tham gia giám sát, “theo dõi - phát hiện - kiến nghị”. Công tác Mặt trận có lúc, có nơi còn hạn chế là vì vậy.
Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có cán bộ giỏi và nhiệt tình, nơi nào cấp ủy địa phương nhận thức sâu sắc vai trò của Mặt trận, tạo điều kiện và quan tâm đúng mức, phong trào những nơi đó sẽ thành công.
Phú Trang