Lâu nay, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khi tuyển sinh phải dựa trên điểm sàn - mức điểm xét tuyển tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi "3 chung".
Lâu nay, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khi tuyển sinh phải dựa trên điểm sàn - mức điểm xét tuyển tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi “3 chung”. Khi quá trình xã hội hóa giáo dục đại học diễn ra sâu sắc và phức tạp, quy định về điểm sàn trở nên thiếu thực tế, xuất phát từ sự chênh lệch vùng miền, từ đặc điểm, quy mô, năng lực của từng trường. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, quy định điểm sàn đã làm nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập khó tuyển người học, thậm chí có nơi buộc phải đóng cửa ngành học khi sinh viên hầu như vào hết vào các trường công lập.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, dự kiến vào năm 2016 Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2-11-2005 của Chính phủ về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo Luật Giáo dục đại học. Trước mắt, từ năm 2014 bên cạnh hình thức tuyển sinh “3 chung” như trước, một số trường được Bộ cho phép sẽ có thêm 2 đợt thi tuyển sinh riêng với 3 phương án: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đây là một hướng đi đúng, được nhiều người đồng tình vì tạo ra cơ chế mở, thuận lợi cho các trường nhằm đảm bảo có một kỳ thi đầu vào chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay trong số 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, không phải trường nào cũng đủ điều kiện để tổ chức tự tuyển sinh, xuất phát từ những điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức thi khác nhau, ngành nghề đào tạo, yêu cầu về đầu vào khác nhau… Để các trường tự tuyển sinh, nếu buông lỏng quản lý, có khả năng dẫn đến tình trạng tiêu cực về sự không minh bạch, luyện thi, mua bán đề thi.
Trong lộ trình chuẩn bị cho việc xóa “3 chung”, “điểm sàn”, giải pháp “diễn tập” bằng cách cho phép thí điểm thi riêng của Bộ từ năm 2014 cũng dẫn đến nhiều băn khoăn. Các trường ngoài công lập có nguy cơ khó tuyển sinh do có sự phân biệt thí sinh thi riêng và thí sinh thi “3 chung”, vì quy chế không cho phép những trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh không được xét tuyển thí sinh thi “3 chung”. Thí sinh và phụ huynh cũng lo lắng trước sự thay đổi này do không đủ thông tin để chọn lựa. Nhà quản lý băn khoăn về chất lượng đầu vào của các trường được giao quyền tự chủ tuyển sinh, về phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thiếu chính xác, khách quan, công bằng và trung thực…
Những câu hỏi lớn vẫn đang đặt ra đòi hỏi các nhà quản lý nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ.
Rõ ràng, khi nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư cho giáo dục không đủ để đáp ứng so với nhu cầu xã hội, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng đắn. Nhưng khi số lượng các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng về số lượng, lại dẫn đến một thực tế là chất lượng không đảm bảo, sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm và thị trường không đánh giá cao. Giải pháp tự chủ tuyển sinh góp phần lập lại trật tự chất lượng cho hệ thống giáo dục đại học, nhưng đồng thời cũng góp phần để các trường ngoài công lập được đối xử công bằng, người học có cơ hội chọn lựa trường học phù hợp với bản thân.
Tự chủ tuyển sinh là mở rộng cánh cửa tuyển sinh, tiến đến giã biệt điểm sàn, tạm biệt cơ chế xin - cho chỉ tiêu, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh chất lượng giữa các trường, để từng đơn vị phải tồn tại bằng chính chất lượng, thương hiệu của mình.
Phú Trang