Theo tổng kết của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong năm 2013 từ các nguồn lực của nhân dân đã đóng góp trên 277 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ người nghèo, trong đó riêng Quỹ vì người nghèo đã vận động được hơn 33 tỷ đồng.
Theo tổng kết của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong năm 2013 từ các nguồn lực của nhân dân đã đóng góp trên 277 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ người nghèo, trong đó riêng Quỹ vì người nghèo đã vận động được hơn 33 tỷ đồng. Từ đóng góp trên, đã giúp xây dựng và sửa chữa 439 căn nhà tình thương trị giá hơn 10 tỷ đồng, hỗ trợ trên 2 ngàn suất học bổng và hỗ trợ vốn sản xuất, khám bệnh cho người nghèo với số tiền 9 tỷ đồng. Song song đó, người dân cũng đóng góp hơn 30 tỷ đồng và trên 18 ngàn ngày công lao động để xây mới, sửa chữa và nâng cấp trên 140 km đường giao thông nông thôn.
Trong bối cảnh kinh tế, đời sống xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay, số liệu trên phần nào đã thể hiện được truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nát” của người dân Đồng Nai. Đó là những con số thống kê được, trong thực tế còn biết bao trường hợp người dân lặng lẽ, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau mà không ghi vào sổ sách, không chứng từ hóa đơn, không báo cáo thành tích. Như trong vụ hỏa hoạn ở cơ sở Phong Phú (phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) mới đây, chỉ trong mấy ngày số tiền đóng góp hỗ trợ của người dân Biên Hòa với gia đình các nạn nhân đã lên đến con số trên 600 triệu đồng, trong đó phần lớn những người đóng góp không hề quen biết với các nạn nhân, chỉ từ tấm lòng thương cảm, tương trợ mà đến, cũng chẳng cần phải được nêu tên, tri ân. Dù thời gian gần đây gõ vào từ khóa “Biên Hòa”, “Đồng Nai”, kết quả xuất hiện nhiều chỉ thấy thông tin về vụ… “hôi bia”, nhưng trong thực tế tấm lòng người Đồng Nai là như vậy, bao giờ cũng chở che, đùm bọc lẫn nhau, luôn sẻ chia giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn.
Một người đang hoạt động trong lĩnh vực từ thiện xã hội có lần trách móc anh em báo chí: báo, đài cứ đưa thông tin về những vụ tiêu cực, như: “ém” tiền hỗ trợ người nghèo, “xén” bớt tiền chăm lo trẻ khuyết tật… khiến việc vận động mạnh thường quân đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội ngày càng khó khăn. Nhưng rõ ràng, lỗi không nằm ở chỗ do các cơ quan truyền thông đưa thông tin, mà nằm ở chính cách làm, cách hành xử chưa minh bạch của chính quyền, đoàn thể đã làm giảm lòng tin của người dân.
Để củng cố lại niềm tin ấy, không gì khác hơn ngoài việc minh bạch, công khai các khoản đóng góp của người dân, sử dụng quỹ đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng, các cơ quan chức năng, địa phương, đoàn thể còn cần phát huy tính dân chủ của nhân dân, như bàn bạc, lấy ý kiến của người dân trong việc đóng góp và sử dụng quỹ cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, trong đó cách làm của Hội Cựu chiến binh thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) là một minh chứng. Có như thế, mới tận dụng được hết những nguồn lực từ nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ, như lời Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hà Lam